Toàn tỉnh hiện có 75 làng nghề truyền thống được công nhận, trong đó nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản chiếm chủ yếu với 58,7%; nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ chiếm 26,6%; còn lại là nhóm làng nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh và xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.
Thời gian gần đây, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế có nhu cầu thăm quan làng nghề ngày càng tăng, công tác định hướng gắn phát triển làng nghề gắn với các hoạt động du lịch được tỉnh quan tâm, chú trọng. Các làng nghề cũng chủ động thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới, tận dụng có hiệu quả sự hỗ trợ từ chủ trương, chính sách của tỉnh để phát triển bền vững.
Làng nghề chế biến thực phẩm Đoàn Kết và làng nghề làm bánh chưng, bánh giầy làng Xốm, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì với hơn 100 hộ dân làm nghề, đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách sau khi thăm quan Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tìm hiểu giá trị văn hóa tâm linh của Đình cổ Hùng Lô, nghệ thuật Hát Xoan.
Chị Đỗ Thị Thu Nga, ở Lào Cai- du khách tham quan làng nghề chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm du lịch làng nghề tại Hùng Lô, tôi đã được ngắm những ngôi đình cổ hàng trăm năm tuổi, tham gia làm mì, làm bánh và tìm hiểu về cách người dân bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập. Các sản phẩm tại làng nghề dù không phải mới lạ nhưng hương vị rất đặc trưng, hấp dẫn, phù hợp để làm quà cho gia đình và bạn bè”.
Tại làng nghề sản xuất nón lá làng Dền, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, các bà, các chị vẫn miệt mài, nhẹ nhàng khâu từng đường kim, mũi chỉ, tạo nên những món quà độc đáo cho du khách khi đến đây. Bà Triệu Thị Nhường - Trưởng làng nghề cho biết: Trung bình, mỗi năm làng đón gần 2.000 khách du lịch, trong đó có nhiều khách quốc tế đến thăm quan. Từ đó, các sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ tăng lên, tạo cơ hội quảng bá hình ảnh sản phẩm.
Phát triển làng nghề gắn với du lịch là hướng đi quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển nghề truyền thống, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích hợp, đa giá trị, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Ngành du lịch của tỉnh đã phối hợp các sở, ngành, địa phương xây dựng năm vùng du lịch trọng điểm gồm: Việt Trì, Tam Nông, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Thanh Sơn - Tân Sơn với sáu điểm du lịch nông thôn gồm: Điểm du lịch văn hóa Khu Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, điểm du lịch sinh thái cộng đồng xã Xuân Sơn, điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc, điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô, điểm du lịch cộng đồng Long Cốc và điểm du lịch nông nghiệp xã Mỹ Lung...
Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ chuẩn hóa các điểm du lịch và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu có ít nhất 4- 6 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số...
P.V