Sự vào cuộc tích cực của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, các nội dung hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai. Nhiều mô hình, dự án được nhận hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, gia đình, tổ chức thêm nguồn lực đầu tư về cây giống, phân bón, tiếp cận kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, điều kiện để được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa cho giá trị kinh tế cao.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 22 (Nghị quyết 22 Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh), đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 34 doanh nghiệp, 81 hợp tác xã, 65 tổ hợp tác, bốn trang trại, 251 gia đình được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí trên 35 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 33 tỉ đồng.
Để tạo điều kiện cho người dân thụ hưởng các chương trình thuộc Nghị quyết 22, UBND các huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn, đồng hành cùng chủ thể thực hiện trình tự thủ tục xây dựng dự án từ khâu lập hồ sơ đến thẩm định, nghiệm thu. Ông Đoàn Ngọc Sen - Tổ trưởng Tổ hợp tác bưởi xã Văn Luông, huyện Tân Sơn chia sẻ: “Được chính quyền địa phương thông tin, tuyên truyền, chúng tôi nắm bắt được chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển cây bưởi trên địa bàn, nhanh chóng kiện toàn tổ hợp tác, xây dựng phương án sản xuất đảm bảo nội dung, yêu cầu, đúng quy định để nhận hỗ trợ phát triển cây bưởi”.
Tại huyện Thanh Ba, căn cứ vào tình hình thực tiễn huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Ông Hà Anh Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết: “HĐND, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai các nội dung của Nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và hướng dẫn các chủ thể tiếp cận thông tin, điều kiện, quy trình, thủ tục để được nhận hỗ trợ. Đến nay, một số chương trình, dự án liên kết phát triển nông nghiệp trên địa bàn đã được hỗ trợ như: Trồng, sản xuất và chế biến chè búp tím; sản xuất, tiêu thụ gà thương phẩm; thưởng sáu sản phẩm được chứng nhận OCOP…”.
Là huyện miền núi, huyện Yên Lập xác định kinh tế lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Hoàng Văn Cường - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 22, trên địa bàn có 45ha rừng gỗ lớn chuyển hóa, 235ha rừng quế trồng mới được hỗ trợ với kinh phí trên 3,1 tỉ đồng. Ngoài ra, năm 2022, toàn huyện đã có sáu ha bưởi trồng mới, 90ha bưởi quả được hỗ trợ để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã; gần 20ha bưởi tại xã Xuân Thủy, Hưng Long được hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Nghị quyết 22 quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu phát triển, thực tiễn sản xuất và Kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Phú Thọ đã xác định quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; chuyển dịch từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác; chuyển từ tư duy chỉ đạo sản xuất nông nghiệp sang chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp; tập trung nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm...
P.V