Phú Thọ: Phát triển nhân lực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

12:40 23/03/2023

Xác định nhân lực là yếu tố quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã ban hành chính sách và các văn bản chỉ đạo, điều hành về phát triển nguồn nhân lực, sử dụng, thu hút, đãi ngộ nhân lực trên địa bàn.

Trường Đại học Hùng Vương đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ
Trường Đại học Hùng Vương đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ.

Những năm gần đây, nguồn nhân lực của tỉnh có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh phát triển đồng bộ trên cả ba yếu tố cơ bản là thể lực, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp. Năng suất lao động có xu hướng ngày càng tăng, năm 2020 đạt 89,3 triệu đồng/lao động, tăng 36,2 triệu đồng so với năm 2015.

Đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp khá đã được thu hút và phát huy hiệu quả lao động cao ở một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, dịch vụ và xuất khẩu lao động. Đội ngũ doanh nhân ngày càng tăng về số lượng và cải thiện về kiến thức, kỹ năng kinh doanh, từng bước tiếp cận trình độ quốc tế.

Hiện toàn tỉnh có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hai cơ sở giáo dục đại học. Giai đoạn 2016-2020, các trường đại học và cơ sở GDNN đã tuyển sinh hơn 87,3 nghìn người, bình quân hơn 17,4 nghìn người/năm. Trong đó, riêng đào tạo đại học chiếm 15%, cao đẳng chiếm 26%, trung cấp 29%, sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng chiếm 30%.

Trường Đại học Hùng Vương thuộc top 100 trường đại học có chất lượng giáo dục cao trên cả nước. PGS,TS Phan Thị Tình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương cho biết: Thực hiện sứ mạng đào tạo nhân lực, nhà trường xác định phương châm lấy người học làm trung tâm, lấy chất lượng đào tạo làm cốt lõi, lấy hiệu quả kinh tế xã hội làm mục tiêu, lấy xu thế thời đại để định hướng tiếp cận. Đồng thời, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và kết nối việc làm cho sinh viên.

Theo dự báo, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, cùng với các địa phương khác trên toàn quốc, Phú Thọ nói riêng cũng đứng trước cơ hội vàng để phát triển. Mỗi năm dự tính sẽ có khoảng 18-19 nghìn việc làm mới do Việt Nam được hưởng lợi từ việc tham gia các hiệp hội trong khu vực và toàn cầu.

Học sinh được thực hành chế biến món ăn tại Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ
Học sinh được thực hành chế biến món ăn tại Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ.

Do đó phát triển nhân lực phải có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp chế biến, chế tạo; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch.

Tuy nhiên, công tác phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Định hướng quy hoạch và đào tạo phát triển nhân lực của tỉnh còn thiếu chủ động, chưa gắn với thị trường lao động và nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn. Việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế.

Ông Hoàng Xuân Đoài - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian tới, Sở tập trung rà soát, nghiên cứu, tham mưu với UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, phát triển nhân lực trình độ cao; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề lao động nông nghiệp nông thôn, lao động miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… các giải pháp nhằm về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao. Phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động theo từng lĩnh vực, giai đoạn cụ thể. Trong đó tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành nghề công nghiệp kỹ thuật cao, nhân lực du lịch - dịch vụ.

Cùng với đó, chú trọng phát triển đạo đức, tác phong xây dựng tinh thần kỷ luật, tự giác trang bị những kiến thức cơ bản, cần thiết cho đội ngũ nhân lực tham gia vào thị trường lao động để cải thiện năng lực nghề nghiệp cho người lao động. Ông Đoài cho biết thêm.

P.V