Việc hội nhập, nhất là thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp cộng đồng doanh nghiệp tận dụng cơ hội, tham gia những thị trường giàu tiềm năng cũng như từng bước nâng cao quy mô xuất khẩu.
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 23,8 tỉ USD, riêng xuất khẩu đạt 12,5 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu theo các Hiệp định FTA thế hệ mới năm 2022 đạt trên 11 tỉ USD, tăng trưởng 30% so với năm 2021.
Hiện nay toàn tỉnh có 265 doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu. Tốc độ tăng trưởng bình quân xuất khẩu theo các Hiệp định FTA giai đoạn 2020-2022 đạt 51%. Để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, công tác tuyên truyền được thực hiện qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, thúc đẩy các hoạt động giao thương, chuyển đổi kinh tế số.
Đối với bốn khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động và hai cụm công nghiệp Bạch Hạc, Đồng Lạc do Ban Quản lý các KCN tỉnh quản lý có 179 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có hơn 100 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các Hiệp định FFA đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa và sản phẩm của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Oanh - Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp cơ bản nắm bắt và chấp hành nghiêm túc các quy định về xuất xứ theo pháp luật Việt Nam và quy tắc xuất xứ đã cam kết theo các Hiệp định. Năm 2022, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đạt trên 11 tỉ USD.
Cũng theo ông Oanh, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là may mặc, bao bì, điện tử, hóa chất, cơ khí, vật liệu xây dựng... Ban Quản lý cũng thường xuyên thông tin, tuyên truyền, ban hành các văn bản, xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức tuyên truyền đến các doanh nghiệp về hội nhập kinh tế, các Hiệp định FTA.
Giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn tỉnh có hơn 60 hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn để phổ biến về thực hiện các Hiệp định FTA được tổ chức. Cùng với công tác tuyên truyền, tỉnh thường xuyên cập nhật các quy định có liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu, thông tin về thị trường xuất khẩu, các chương trình xúc tiến xuất khẩu nước ngoài để doanh nghiệp nắm bắt, kịp thời định hướng, chuẩn bị phương án kinh doanh.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình hội nhập kinh tế, thực thi các Hiệp định FTA còn một số khó khăn do nhiều doanh nghiệp tiềm lực hạn chế, nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao. Một số lĩnh vực chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào, còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; các Hiệp định FTA cũng là thách thức cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn lao động, vấn đề sở hữu trí tuệ...
Để vượt qua những khó khăn, thách thức trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các Hiệp định FTA, bản thân các doanh nghiệp phải chủ động tăng cường năng lực quản trị, đổi mới chất lượng nguồn nhân lực, gắn kết chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo năng lực cạnh tranh để tận dụng cơ hội từ các cam kết mang lại. Đồng thời, các ngành chức năng, chính quyền các cấp tích cực vào cuộc nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Quốc Huy