Phú Thọ: Ngành Nông nghiệp thích ứng linh hoạt trong sản xuất và tiêu thụ nông sản

15:25 29/11/2021

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp thì việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản... đang là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp để thích ứng linh hoạt trong sản xuất, tiêu thụ nông sản theo kế hoạch của UBND tỉnh Phú Thọ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Làng rau Phú Lợi thị xã Phú Thọ
Làng rau Phú Lợi thị xã Phú Thọ.

Mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi bùng phát dịch COVID-19 nhưng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ đã chủ động tích cực đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại các sản phẩm chủ lực theo hướng liên kết hàng hóa. Nhờ đó, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn đạt kết quả tốt. Năm 2021, sản xuất lúa đạt 60.300ha, sản lượng 345.400 tấn. Trong đó, vụ Xuân 36,1 nghìn ha, sản lượng 218,4 nghìn tấn; vụ Mùa 24,2 nghìn ha, sản lượng ước đạt 127 nghìn tấn; sản xuất rau các loại ước đạt 14,8 nghìn ha, sản lượng ước đạt 231,4 tấn. Nhiều diện tích rau màu, cây ăn quả trên địa bàn cũng đã được nông dân kịp thời xuống giống và đang sinh trưởng, phát triển thuận lợi với 12.400ha cây trồng các loại, trong đó có 6.850ha ngô, 5.520 rau xanh, còn lại là các loại cây trồng khác.

Riêng ngành chăn nuôi, nhờ định hướng, hỗ trợ chuyển hướng chăn nuôi đúng đắn, kịp thời nên tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, có xu hướng phục hồi với tổng đàn trâu ước đạt 56.200 con; tổng đàn bò ước đạt 105.000 con; tổng đàn lợn ước đạt 684.500 con; tổng đàn gia cầm ước đạt trên 15,7 triệu con. Trong đó, tổng sản lượng thịt hơi các loại 184.000 tấn; tổng sản lượng thủy sản đạt 41.700 tấn, trong đó sản lượng nuôi đạt 39,200 tấn, sản lượng khái thác tự nhiên 2.500 tấn...

Huyện Tam Nông đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp trong sản xuất nông nghiệp để thích ứng với tình hình dịch bệnh với việc duy trì, phát triển hàng hóa của 402 trang trại, gia trại. Trong đó có 56 trang trại chăn nuôi lợn, gà; 14 trang trại thủy sản; 71 trang trại tổng hợp; 261 gia trại và nhiều mô hình kinh tế sản xuất nông nghiệp hiệu quả. 

Trang trại tổng hợp của ông Bùi Quang Hiệu ở xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao) luôn duy trì hơn 2.000 con lợn thịt để phục vụ nhu cầu thị trường
Trang trại tổng hợp của ông Bùi Quang Hiệu ở xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao) luôn duy trì hơn 2.000 con lợn thịt để phục vụ nhu cầu thị trường.

Ông Kiều Quốc Phong - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông (Phú Thọ) cho biết: Bà con nông dân trên địa bàn huyện đang nỗ lực khắc phục khó khăn để tăng gia sản xuất. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của chính quyền địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc đeo khẩu trang, không tụ tập thành nhóm lao động sản xuất đông người.

Tuy nhiên, trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 có thể còn kéo dài và phức tạp, trong khi nông sản được thu hoạch theo mùa vụ nên rất cần sự chủ động của nông dân, doanh nghiệp trong điều chỉnh sản xuất, nỗ lực đa dạng kênh tiêu thụ đến sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, nhất là từ chính quyền địa phương.

Thực hiện Kế hoạch đảm bảo sản xuất, tiêu thụ nông sản “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng phương án sản xuất, tiêu thụ nông sản theo từng cấp độ dịch.

Trong đó, đối với trường hợp thực hiện cấp độ dịch nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình thì đẩy mạnh phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, thế mạnh địa phương theo chuỗi liên kết gắn với thị trường chế biến, tăng tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng. 

Hàng hóa nông sản luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng (ảnh chụp tại Chợ nông Trang, thành phố Việt Trì ngày 3/11/2021)
Hàng hóa nông sản luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng (ảnh chụp tại Chợ nông Trang, thành phố Việt Trì ngày 3/11/2021).

Với trường hợp thực hiện cấp độ dịch nguy cơ cao và nguy cơ rất cao thì các địa phương cần khoanh vùng sản xuất, có các biện pháp sản xuất an toàn dịch bệnh như: Sử dụng bảo hộ lao động, phun khử khuẩn cho các phương tiện vận chuyển nông sản…; đối với cây trồng, vật nuôi đến lứa thu hoạch thì tiến hành thu hoạch sớm theo hướng “cuốn chiếu” từng khu vực để hạn chế tập trung đông người. Trong trường hợp có thể duy trì được thì kéo dài thời gian thu hoạch để tiện cho việc bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Thọ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương lân cận kịp thời triển khai các biện pháp, kế hoạch để vừa đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong tỉnh; tăng cường kết nối, đa dạng các kênh tiêu thụ ngoài tỉnh không để tắc nghẽn, ùn ứ nông sản. Thiết lập và duy trì các kênh phân phối, giao dịch mua bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử hỗ trợ các đơn vị vận chuyển, tiêu thụ nông sản...

“Cùng với đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành, thị đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để người nông dân duy trì sản xuất, gieo trồng đúng khung thời vụ, đảm bảo lương thực tự cấp trong điều kiện dịch bệnh lâu dài; khuyến cáo rải vụ thu hoạch để phục vụ tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, cấp độ dịch, chỉ đạo sản xuất đảm bảo công tác phòng chống dịch và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân kịp thời. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác dự tính dự báo, chủ động trong phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đảm bảo phát hiện nhanh, chính xác, kịp thời, hiệu quả” - ông Từ Anh Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.

PV