Kết quả đó minh chứng cho sự nỗ lực của các cấp, ngành đã quyết liệt vào cuộc lắng nghe, chia sẻ, có nhiều giải pháp tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; đồng thời, khẳng định sự chủ động, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 226/269 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 triệu USD trở lên. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thiết bị linh kiện điện tử, hàng dệt may, vải bạt, bao bì PP, PE, chè… Cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh bao gồm: 70% là doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp FDI, còn lại 30% là doanh nghiệp nội địa. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hàn Quốc, Mỹ, Hồng Kông, Nhật Bản và Trung Quốc. Thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu chủ yếu là thị trường Đức, Canada, Italy và thị trường Anh.
Để đạt được kết quả trên, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, quán triệt các cấp, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan giới thiệu xét chọn 4 doanh nghiệp đạt “doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2020 và giới thiệu doanh nghiệp xuất khẩu địa phương tham gia nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (ECVN).
Cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đăng ký nhanh cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thực phẩm đi Trung Quốc; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc; hỗ trợ thông tin phục vụ đề tài nghiên cứu khoa học về phát triển thương mại bền vững Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới; kết nối, giới thiệu cho các doanh nghiệp của tỉnh tham gia trên 20 hội nghị kết nối giao thương trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức.
Đặc biệt, tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, ra mắt kênh trao đổi thông tin “Phú Thọ với doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo; chỉ đạo tháo gỡ tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 76 doanh nghiệp với số tiền là 1.433 tỷ đồng; chỉ đạo hỗ trợ kịp thời cho người lao động (giảm mức đóng bảo hiểm cho 119 nghìn lao động tại 3.037 đơn vị, số tiền 34,7 tỷ đồng); giải quyết việc làm cho 7.054 lao động trở về từ vùng dịch.
Với công tác hỗ trợ giải quyết thủ tục thông quan cho doanh nghiệp, Chi cục Hải quan tỉnh xác định công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu. Trong đó, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện vào tất cả các mặt công tác nghiệp vụ của ngành như: Quản lý gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chế xuất, theo dõi và quản lý cửa hàng miễn thuế, kho ngoại quan… Việc giải quyết thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử được triển khai quyết liệt nên quá trình khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa cao, đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt, đúng quy trình, nhanh chóng và chính xác. Trong năm 2021, Chi cục Hải quan Phú Thọ đã giải quyết các thủ tục hải quan cho 540 doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Thụy Vân, Cụm công nghiệp An Đạo, Khu công nghiệp Phú Hà, Cụm công nghiệp Đồng Lạng, Khu công nghiệp Cẩm Khê và một số doanh nghiệp ngoài địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Ông Trần Đại Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan tỉnh Phú Thọ cho biết: Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi, tăng doanh thu, Chi cục tập trung làm tốt công tác thông quan cho doanh nghiệp, phân công cán bộ trực làm việc cả ngày nghỉ giải quyết hồ sơ, tránh tồn đọng tờ khai thông quan. Hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký thủ tục xuất khẩu ngoài giờ hành chính, bảo đảm tiến độ các đơn hàng với đối tác và không thu thêm bất cứ chi phí nào phát sinh.
Tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh Phú Thọ, các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để duy trì liên tục hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác và tận dụng tốt các cơ hội từ sự biến động của thị trường và từ các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực đem lại, chủ động tìm kiếm, khai thác đơn hàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI nhờ có nguồn lực tốt, thị trường ổn định và sự chủ động, linh hoạt trong việc xoay sở tìm thêm nhiều nguồn hàng để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu tăng cao tập trung vào một số ngành trọng điểm sản xuất linh kiện điện tử. Điển hình như Công ty TNHH Hanyang Digitech Vina là đối tác chiến lược của Tập đoàn Samsung trong suốt 30 năm trở lại đây, chuyên sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chất bán dẫn Dram dùng cho máy tính. Từ tháng 1/2019, Công ty chuyển dây chuyền sản xuất kinh doanh từ Trung Quốc sang Việt Nam, đầu tư nhà máy tại Khu Công nghiệp Phú Hà (thị xã Phú Thọ). Ngay sau khi đi vào hoạt động, 16 khách hàng lớn như Microsoft, Facebook, Amazon, HP… đã tiến hành thẩm định và đồng ý để Công ty cung cấp sản phẩm.
Ông Choi Dong Hyeon - Giám đốc Công ty TNHH Hanyang Digitech Vina cho biết: Tháng 2/2021, chúng tôi là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Phú Thọ được Tổng cục Hải quan công nhận là doanh nghiệp ưu tiên. Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và quản lý để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm thì chúng tôi cũng áp dụng hệ thống thông quan điện tử về nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm đã giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí. Mặc dù còn nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng chúng tôi sẽ cố gắng duy trì kết quả danh hiệu doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, tích cực đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Phú Thọ.
Ngành sản phẩm platstics như vải bạt, bao bì PP, PE tương đối ổn định. Ví dụ như Công ty Cổ phần KAPSTEX Vina có kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 3 triệu USD/tháng; Công ty TNHH JM Plastics Việt Nam, Công ty TNHH Tarpia Vi Na có kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt gần 2 triệu USD/tháng…
Ngoài ra, ngành dệt may, da giầy có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước, như: Công ty TNHH Vina Kyung Seung tăng bình quân 400 - 500 nghìn sản phẩm/tháng; Công ty TNHH YAKJIN Việt Nam - Khu Công nghiệp Thụy Vân tăng bình quân trên 200 nghìn sản phẩm/tháng, kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 11,4 triệu USD/tháng; Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ Phú Thọ có kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt xấp xỉ 13 triệu USD/tháng.
Theo ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ: Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành triển khai tốt “mục tiêu kép” vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thông tin tuyên truyền mạnh mẽ và tận dụng hiệu quả các cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Đồng thời khai thác các thông tin chế độ chính sách mới về Công Thương, xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế… giúp doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh và tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Tiếp tục rà soát, triển khai tổ chức sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm; đề xuất giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ lực của tỉnh tham gia xúc tiến xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản sau COVID-19 vào các thị trường tiềm năng.
PV