Điển hình như ghép mắt cam trên thân bưởi, ghép mắt quýt trên thân cây ba lá, trồng các loại nho, chanh chùm tứ thì... Hướng đi này giúp người dân trong huyện tăng thu nhập, ổn định và dần nâng cao đời sống.
Thời gian qua, huyện Tân Sơn đã tăng cường công tác chỉ đạo điều hành sản xuất nông nghiệp, nông thôn; tăng cường kiểm tra công tác triển khai thực hiện kế hoạch, việc thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất ở cấp xã, thôn; hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm nghiệp của các tổ chức cá nhân.
Đối với cây ăn quả, thực hiện duy trì trên 400 ha cây ăn quả các loại, trong đó có 150 ha bưởi, 35 ha cam, quýt, còn lại là các cây ăn quả khác; đẩy mạnh thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật chăm sóc để nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ nhu cầu.
Tại xã Thu Cúc, anh Đào Văn Tuấn là người đầu tiên ở xã đưa giống cam canh về trồng tại địa phương. Anh Tuấn cho biết: "Ban đầu khi chưa biết cách chăm sóc thì quả cam khô, không ngọt. Sau đó, tôi tích cực học hỏi, tìm kiểu kỹ thuật chăm sóc, cải tạo đất, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Nhờ đó, hơn 10ha đất đồi hoang hóa trước kia nay đã được phủ kín bởi 4.500 gốc cam đường canh và luôn trĩu quả khi vào vụ, vị ngọt đậm, chất lượng đảm bảo. Cao điểm vào vụ thu hoạch cho 3 tấn quả/ngày, tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương, sản phẩm được thương lái đến tận nơi thu mua và đông đảo người mua đặt hàng qua điện thoại và mạng xã hội”.
Để hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả, huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp đưa các giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, được thị trường ưa chuộng vào sản xuất; tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng bộ.
Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trồng cây có múi đạt hiệu quả kinh tế cao, năng suất đạt 20 tấn/ha/năm, cho thu nhập đạt 300 triệu đồng/năm. Trong đó, diện tích bưởi, cam, quýt tập trung chủ yếu tại các xã Thạch Kiệt, Thu Cúc, Kiệt Sơn, Minh Đài, Văn Luông…
Ông Nguyễn Xuân Việt - Trưởng phòng NN& PT huyện Tân Sơn cho biết: “Để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện Tân Sơn đã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, giúp người dân cải thiện thu nhập. Riêng xã Thu Cúc, hiện có trên 30 ha trồng cây có múi, mang lại thu nhập trung bình trên 200 triệu đồng/ha. Năm 2023, đối với cây bưởi, cam, quýt, huyện chỉ đạo tập trung chăm sóc thâm canh đối với diện tích đã có, cải tạo diện tích kém hiệu quả nhằm tăng năng suất, chất lượng; đẩy mạnh áp dụng việc áp dụng quy trình VietGAP, truy xuất nguồn gốc và cải thiện mẫu mã sản phẩm".
Huyện tiếp tục hỗ trợ một số mô hình để phát triển cây ăn quả ở các xã Thu Cúc, Thạch Kiệt... theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, đồng thời phát triển thêm một số mô hình khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, nâng dần đời sống người dân địa phương, ông Việt cho biết thêm.
P.V