Thời gian qua, Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác quản lý đầu tư công, từng bước xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầu tư dự án đến phân bổ, bố trí và sử dụng nguồn vốn, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời sát với yêu cầu thực tiễn, từ đó tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 12 dự án đầu tư nước ngoài, với vốn đăng ký 436 triệu USD, gấp 1,5 lần so giai đoạn 2016- 2020, đưa Phú Thọ xếp thứ 14/63 tỉnh về thu hút FDI, đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Ấn Độ với các lĩnh vực đầu tư như linh kiện điện tử, công nghiệp dệt may, sản xuất bao bì, hạt nhựa, chế biến thực phẩm...
Năm 2022, Phú Thọ hướng tới mục tiêu thu hút 30 - 40 nghìn tỉ đồng, trong đó, đầu tư FDI chiếm từ 500 triệu USD trở lên. Đến năm 2025, dự kiến có khoảng 220 doanh nghiệp FDI hoạt động; tạo việc làm mới cho 40.000 - 50.000 lao động.
Theo Nghị quyết số 28/NQ- HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về phân bổ nguồn vốn đầu tư công năm 2022, tổng số vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 là hơn 2.982 tỉ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương và vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương, ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm; các công trình cấp bách, phục vụ sản xuất, an sinh xã hội.
Các dự án đã được bố trí vốn 2022, trong đó một số dự án đang thi công là Trường THPT Chuyên Hùng Vương, đường nối đường Hồ Chí Minh đến ĐT320C đi huyện Thanh Ba...; 3 dự án của các bộ, ngành, các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc giao cho tỉnh làm chủ đầu tư hiện đang khẩn trương thực hiện theo nguồn vốn được bố trí.
Dự án đầu tư xây dựng trường THPT Chuyên Hùng Vương được HĐND tỉnh Phú Thọ phê duyệt chủ trương đầu tư, quy hoạch trên tổng diện tích 4,72ha tại xã Trưng Vương và phường Thanh Miếu, TP Việt Trì có tổng đầu tư 457,4 tỉ đồng. Mục tiêu đầu tư dự án hướng đến tạo một không gian đào tạo hiện đại về kiến trúc, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, trở thành điểm nhấn về giáo dục của tỉnh; góp phần nâng cao chất lượng dạy học của giáo viên và học sinh; phục vụ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung.
Cầu Vĩnh Phú - cây cầu bắc qua sông Lô có điểm cầu phía Việt Trì kết nối với đường Trần Phú, giao với đê hữu sông Lô và kết thúc tại điểm giao với đê tả sông Lô- xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư hơn 540 tỉ đồng. Cầu được thiết kế bảo đảm 4 làn xe cơ giới, bề rộng mặt cầu chính 19m, bề rộng cầu dẫn 16,5m. Hiện nay, cùng với thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho các kỹ sư, công nhân, liên danh nhà thầu huy động tối đa nhân lực, phương tiện thi công các hạng mục, phấn đấu hoàn thành công trình theo kế hoạch.
Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang tập trung triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Công tác quản lý dự án được thực hiện theo kế hoạch, chủ trương đầu tư, phù hợp với quy định của pháp luật.
Quan điểm của tỉnh Phú Thọ là không để chậm giải phóng mặt bằng, ngoài trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư, thì trách nhiệm còn thuộc về địa phương. Do đó, các bên liên quan phải chủ động, phối hợp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công. Vấn đề nào vượt quá thẩm quyền, báo cáo kịp thời UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết. Khi triển khai dự án phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân.
Theo ông Phạm Quang Minh- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, thời gian tới, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành, thị phải rà soát lại từng nội dung, phần việc cụ thể, xem nội dung nào có thể làm được trước thì tiến hành làm ngay, không cứng nhắc. Các chủ đầu tư, các sở, ngành và lãnh đạo các huyện, thành, thị nơi triển khai dự án đầu tư công phải chỉ đạo, tính toán từng phần việc và cam kết mốc thời gian cụ thể thực hiện, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công.
P.V