Đồi chè Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn. |
Huyện Tân Sơn, mảnh đất nằm trong lòng miền núi thanh bình, đã từ lâu nổi danh với hơn 4.000ha chè xanh mướt. Điều đáng chú ý là 90% diện tích này đang ở giai đoạn thu hoạch, mang lại nguồn thu lớn và ổn định cho người dân nơi đây.
Chè tại Tân Sơn không chỉ đơn thuần là cây trồng, mà đã trở thành cây chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện. Qua nhiều năm, chính quyền và người nông dân luôn đồng lòng trong việc đảm bảo diện tích chè được giữ vững, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng nhằm tạo ra sản phẩm chè an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Là chủ thể đầu tiên của huyện Tân Sơn có sản phẩm được công nhận đạt hạng OCOP 4 sao, HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn luôn chú trọng đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất chè an toàn như VietGAP, RA, HACCP... HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc đã và đang liên kết với 20 hộ thành viên trồng chè tại địa phương với diện tích 37ha.
Ông Hà Văn Chinh - Phó Giám đốc HTX chia sẻ: Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi chọn phương pháp tiếp cận thị trường là tập trung vào chất lượng sản phẩm, trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. HTX liên kết nhiều hộ sản xuất chè trên địa bàn, mở các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng trong sản xuất, chế biến chè.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế biến và tiêu thụ, huyện cũng khuyến khích các hộ đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, liên kết thành lập các tổ hợp tác, HTX. Đến nay, toàn huyện có gần 170 cơ sở chế biến chè với công suất chế biến khoảng 15.000 tấn/năm, giá trị từ cây chè mang lại đạt gần 150 tỷ đồng/năm.
Quy hoạch vùng trồng chè tập trung gắn với phát triển du lịch. |
Sự cải tiến trong kỹ thuật trồng trọt, cùng với việc ứng dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, đã giúp chè Tân Sơn giữ vững danh tiếng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Người dân không chỉ chú trọng đến năng suất mà còn đề cao việc bảo vệ môi trường sinh thái, nâng niu từng chiếc lá chè với tâm huyết lớn lao.
Ông Nguyễn Xuân Việt - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm chè, UBND huyện đã chỉ đạo các xã quy hoạch vùng trồng chè tập trung, gắn với phát triển du lịch. Các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương mở các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc, chế biến chè an toàn.
Hàng năm, lượng chè Tân Sơn xuất khẩu và phân phối trong nước không ngừng tăng, đặc biệt là các sản phẩm chè xanh, chè hương, chè đen với hương vị đậm đà đặc trưng. Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh huyện Tân Sơn ra khắp cả nước.
Chè Tân Sơn không chỉ là cây trồng mà còn là văn hóa, là tâm hồn của những người sống và làm việc tại đây. Cùng với những ly chè thơm ngon đó là niềm tự hào và tình yêu mến của người dân Tân Sơn dành cho quê hương.