Phú Thọ: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư

17:31 06/04/2021

Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã được nhiều nhà đầu tư tin tưởng lựa chọn với nhiều dự án có quy mô lớn. Bên cạnh tiềm năng, lợi thế về địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội, tài nguyên thiên nhiên... thì yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư chính là sự tin cậy về cơ chế, chính sách; môi trường đầu tư thông thoáng theo hướng cởi mở, thân thiện và minh bạch.

Nút giá IC11 Cao tốc Nội Bài- Lào Cai tạo động lực cho Phú Thọ phát triển kinh tế vùng
Nút giá IC11 Cao tốc Nội Bài- Lào Cai tạo động lực cho Phú Thọ phát triển kinh tế vùng.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, thị trường thu hẹp, nhiều đơn hàng bị cắt giảm; song, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, sự chủ động tích cực của các cấp, các ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhiều dự án lớn, trọng điểm được chấp thuận chủ trương đầu tư, đi vào hoạt động. Trong năm, tỉnh Phú Thọ đã thu hút được 133 dự án đầu tư trực tiếp (113 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký trên 3.699 tỷ đồng; 20 dự án FDI, vốn đăng ký 224,6 triệu USD, tăng 1,57 lần so với năm 2019). Đã hoàn thành thủ tục đầu tư, tiến hành bàn giao mặt bằng xây dựng cho 29 doanh nghiệp dự kiến đi vào sản xuất năm 2021, tạo đà cho phát triển công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới. Điểm tổng hợp PCI của tỉnh Phú Thọ đạt 65,54 (tăng 1,59 điểm); xếp vị trí thứ 26, đứng trong tốp khá so với cả nước và đứng thứ 3 của Khu vực miền núi phía Bắc.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá là có nhiều cải thiện. Thủ tục hành chính (đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, thẩm định PCCC, phê duyệt ĐTM…) được cắt giảm tối đa tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Việc tổ chức chỉ đạo, thực hiện công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ. 1.810/1.950 thủ tục hành chính ở cả 3 cấp chính quyền đã được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và UBND cấp huyện, xã; có 938 thủ tục hành chính (TTHC) được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 529 TTHC ở mức độ 4. Thời gian giải quyết nhiều TTHC được rút ngắn so với quy định. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đồng bộ; quỹ đất, nguồn nhân lực dồi dào, dễ tuyển dụng… sẽ là những lợi thế nổi trội được các nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng” trong thời gian tới. 

Một doanh nghiệp sản xuất tại khu công nghiệp Thụy Vân tỉnh Phú Thọ
Một doanh nghiệp sản xuất tại khu công nghiệp Thụy Vân tỉnh Phú Thọ.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định khâu đột phá của nhiệm kỳ là tập trung cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong giai đoạn tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp: 

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch; tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh Phú Thọ đến năm 2030 đảm bảo đồng bộ, phát huy và sử dụng có hiệu quả tiềm năng lợi thế của tỉnh.

Tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, chú trọng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Ngay trong năm 2021 sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng 2 khu công nghiệp mới là Tam Nông 350 ha, Hạ Hòa 400 ha; tiếp tục điều chỉnh mở rộng khu công nghiệp Thụy Vân để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư; các khu du lịch đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng, nhà ở…

Đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, chủ động tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược trong nước, ngoài nước, tận dụng làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có giá trị gia tăng cao.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đào tạo nhân lực tại chỗ và thu hút chuyên gia tư vấn giỏi từ những tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Với mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao cho các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện ngay từ những tháng đầu năm 2021, đó là:

Một là, rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, trọng tâm là rà soát quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư.

Hai là, tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định rõ từng bước công việc, trách nhiệm của người đứng đầu, ký cam kết với nhà đầu tư về tiến độ triển khai. Đặc biệt, với các dự án trọng điểm sẽ phát huy vai trò Tổ công tác chỉ đạo giải quyết trình tự, thủ tục các dự án trọng điểm với cơ chế xử lý nhanh và trực tiếp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh; phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp trong việc tuyên truyền, vận động hội viên chung tay thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.

Ba là, rà soát, lựa chọn các cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất, uy tín để bố trí, giao nhiệm vụ ở các khâu, lĩnh vực liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; quản lý dự án; bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đổi mới đột phá trong tư duy, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo cùng những giải pháp cụ thể, hiệu quả nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… sẽ là “chìa khóa” mở cơ hội và tạo niềm tin cho doanh nghiệp phát triển trên địa bàn tỉnh. Tin tưởng rằng, thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thu hút đầu tư góp phần tạo động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Trịnh Thế Truyền - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ