Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều dấu mốc tích cực như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân ba năm 2021- 2023 đạt 7,29% (mục tiêu Nghị quyết từ 7,5% trở lên); tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021- 2023 đạt 118,7 nghìn tỉ đồng, đạt 74,2% (mục tiêu Nghị quyết 160 nghìn tỉ đồng); thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,126 tỉ USD (mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025 thu hút 2- 2,5 tỉ USD); thành lập mới 2.800 doanh nghiệp, lũy kế có 11.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập, đạt 105,2% (mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025 có khoảng 11 nghìn doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp 24/63 tỉnh, thành phố, nằm trong tốp 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp 10/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX): Xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đạt 84,05%, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố...
Tuy nhiên, Phú Thọ rất cần thiết có thêm các ý kiến đóng góp, các góc nhìn tổng thể để tiếp tục tư vấn, phản biện, hiến kế và đề xuất các giải pháp của các chuyên gia, nhà khoa học lớn, đầu ngành ở Trung ương và các trí thức, chuyên gia trong tỉnh đối với các cấp, các ngành, góp phần thực hiện thành công, đạt hiệu quả, chất lượng khâu về đột phá của tỉnh.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung tham luận, thảo luận, đóng góp ý kiến đánh giá, phân tích sâu về kết quả đạt được trong thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 – 2025.
Các đại biểu cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức, điểm nghẽn trong thực tế; so sánh kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và kết quả về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Phú Thọ so với một số tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các tỉnh trong vùng Thủ đô, vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Quốc Huy