Ngày 13/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của Thủ tướng đã họp với 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương về giải ngân vốn đầu tư công.
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 Thủ tướng giao cho 17 bộ, cơ quan trung ương thuộc Tổ công tác số 1 là trên 38,319 nghìn tỉ đồng, bố trí cho 22 nhiệm vụ và 80 dự án (trong đó 34 dự án chuyển tiếp và 46 dự án khởi công mới).
Đến nay, 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án trên 34,942 nghìn tỉ đồng, đạt 91,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch là gần 3,4 nghìn tỉ đồng của 8 cơ quan.
Trong quý I/2023, tổng số giải ngân của 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương chỉ đạt 0,04% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (10,35%). Trong đó đáng chú ý, có 13 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (tỉ lệ giải ngân 0%), bốn bộ, cơ quan trung ương đã giải ngân nhưng đều dưới 2% kế hoạch Thủ tướng giao.
Cùng ngày, Tổ công tác số 2 của Chính phủ cũng có buổi làm việc với các tỉnh, thành phố để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Lãnh đạo các địa phương đã nêu lên khó khăn và kiến nghị Chính phủ tháo gỡ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Trong đó, nhiều nội dung được quan tâm là vấn đề giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; việc cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng thông thường để xây dựng công trình trọng điểm cao tốc Bắc – Nam và các dự án tại địa phương.
Các tỉnh, thành phố cũng kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài nguồn vốn đầu tư công năm 2022. Các bộ, ngành, Trung ương cần sớm phân bổ các nguồn vốn, nhất là Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại 13 tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu, các địa phương chưa trình quy hoạch phải khẩn trương thực hiện các quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt để có cơ sở thực hiện các dự án. Trước ngày 20/4, các tỉnh, thành phố phải báo cáo những dự án cần có sự kéo dài kế hoạch sử dụng vốn của năm 2022 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 4/2023.
Liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù và hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương thực hiện việc định giá (giao Sở Tài Nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu). Nếu chính quyền địa phương để xảy ra chậm tiến độ định giá đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả đầu tư công lẫn đầu tư tư. Việc tái định cư cho người dân cần thực hiện phù hợp với quy hoạch và tiến độ thực hiện dự án.
PV (t/h)