Phó Thủ tướng chỉ đạo xem xét xử lý vấn đề cá tầm Trung Quốc

08:14 20/01/2021

Tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ phải được xem xét, xử lý...

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có văn bản chỉ đạo làm rõ phản ánh của một số cơ quan báo chí về vấn đề cá tầm Trung Quốc.

Theo văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, gần đây các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam. Cùng với đó là hiện tượng vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ...

Người nuôi cá tầm ở Lâm Đồng lao đao vì cá nhập lậu
Người nuôi cá tầm ở Lâm Đồng lao đao vì cá nhập lậu.

Tình trạng này tạo nên sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường cá tầm, đáng lo ngại hơn là việc làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 và trái với chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 về việc phòng, chống Covid-19.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Công an, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu phản ánh của báo chí nêu trên để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền.

Tình trạng cá tầm Trung Quốc "đổ bộ" tràn lan vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, không có trong danh mục được cấp phép đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đến ngành nuôi cá tầm trong nước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của cá tầm Việt Nam.

Đáng nói là cá tầm Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm tra kiểm định chất lượng nên tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cần thận trọng khi chọn mua cá tầm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Người tiêu dùng cần thận trọng khi chọn mua cá tầm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. (Ảnh: minh hoạ)

Theo các chuyên gia thủy sản, giá cá tầm Trung Quốc rẻ như vậy hoàn toàn có cơ sở. Ở nước ta, giống cá này thường được nuôi ở nơi có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp như Đà Lạt, Sapa, Thái Nguyên. Giá cá tầm trong nước đắt không chỉ bởi điều kiện nuôi khó khăn mà còn do Việt Nam chưa chủ động được về con giống và thức ăn. Tất cả đều phải nhập từ các nước Đông Âu. Việc nuôi cá tầm tuân thủ đúng quy trình nuôi nên chất lượng rất tốt. Bước đầu Việt Nam đã sản xuất được thức ăn nuôi cá nhưng giá thành vẫn còn cao.

Trung Quốc là xứ lạnh, người nuôi cá tầm ở Trung Quốc lại chủ động được thức ăn, con giống, vì thế giá thành rẻ hơn. Tuy nhiên, với những tai tiếng về an toàn thực phẩm Trung Quốc hiện nay thì người dân nên cẩn thận với cá tầm nhập lậu từ nước này.

Đáng nói là việc  hiện nay ở nước ta vẫn chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm định chất lượng cá tầm, mà bằng mắt thường khó để phân biệt được đâu là cá trong nước, đâu là cá Trung Quốc. Cũng không thể biết người Trung Quốc nuôi cá bằng thức ăn gì, trong môi trường thế nào, nhất là các tồn dư kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng cấm không được dùng trồng thủy sản... cho nên người dân cần thận trọng.

Về lâu dài, những lỗ hổng trong việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc có thể sẽ "tiêu diệt" ngành nuôi cá tầm trong nước.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các đối tượng cá nước lạnh được phép nuôi tại Việt Nam từ những năm 2005 gồm: cá tầm Xibêri (Acipenser baerii), cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis), cá tầm lai (lai giữa 2 loài Acipenser ruthenus và Huso huso).

Đây là những loài đã được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục sản xuất thông thường và được kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc từ cơ quan CITES Việt Nam và các cơ quan quản lý chuyên ngành.

Trước thực trạng trên, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân nuôi cá tầm ở Việt Nam cũng đã có đơn kiến nghị “cầu cứu” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xét các vấn đề liên quan đến việc nhập cá tầm từ Trung Quốc.

Phương Ngân