Ông Nguyễn Cao Sơn sinh 09/05/1969 hiện đang là Phó Chủ tịch VINASME; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hòa Bình; Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình.
Ông Nguyễn Cao Sơn từng là Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Với trách nhiệm và mong muốn góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh; cùng với cộng đồng doanh nghiệp Hoà Bình đề xuất, tham mưu các giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kêu gọi các doanh nghiệp chung tay, chung sức, đồng lòng vì mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh nhà; tạo được nhiều hơn việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là ở những địa bàn còn khó khăn, ông Nguyễn Cao Sơn đã ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kì 2021-2026.
Theo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật của Hội đồng Bầu cử quốc gia đã công bố, ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã trúng cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV với 230.503 phiếu, đạt tỷ lệ 72,42% số phiếu hợp lệ.
Trước khi ứng cử cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021- 2026, ông Nguyễn Cao Sơn đưa ra 5 cam kết trước cử tri.
Một là, tiếp tục phát huy kinh nghiệm của ĐBQH đã được tham gia trong khóa 13; bản thân sẽ tham gia đầy đủ các các phiên họp của Quốc hội, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của của cử tri và nhân dân để phản ánh đầy đủ, trung thực với Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cử tri với Quốc hội.
Hai là, tích cực cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội, các văn bản dưới luật; nắm tình hình địa phương trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất với Quốc hội những giải pháp, chính sách phù hợp; đặc biệt là các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế; chủ trương nhằm thu hút và tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp được tiếp cận thuận lợi và dễ dàng hơn.
Ba là, không ngừng học tập, nâng cao trình độ năng lực, tập trung trí tuệ, nghiên cứu đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Những chính sách về phát triển kinh tế, đặc biệt đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; các chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88, ngày 14/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng và lợi thế của vùng; huy động và thu hút đầu tư phát triển hài hoà giữa ba yếu tố cơ bản của phát triển bền vững là phát triển kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ mội trường. Hết sức chú trọng đến việc chăm lo đời sống cho người nghèo, gia đình chính sách.
Bốn là, với vai trò, trách nhiệm là doanh nhân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình; Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, tôi sẽ chủ động nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tham gia thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Chủ động trong việc tham mưu cho Lãnh đạo tỉnh chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng, thuận lợi tiếp cận đầu tư tại những địa bàn có điều kiện khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Là “cầu nối”, nói lên tiếng nói của doanh nghiệp tại các diễn đàn, các kỳ họp của Quốc hội, của Chính phủ, các bộ ngành, tổ chức TW và địa phương. Tôi cũng sẽ tập trung hơn cho việc tìm tòi để đa dạng cách thức tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ các DNNVV của Chính phủ, của tỉnh để các DNNVV ngày một phát triển bên vững hơn, qua đó góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Năm là, sẽ quan tâm nhiều hơn đến nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, để cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau thực sự hiểu rằng hướng tới lợi ích của các đối tượng xã hội rộng lớn nói chung, cũng là vì lợi ích thiết thực của từng doanh nghiệp. Đó chính là trách nhiệm với người tiêu dùng, với khách hàng; trách nhiệm với người lao động; trách nhiệm với cộng đồng dân cư nơi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện. Khi doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các trách nhiệm ấy, thực chất cũng là đảm bảo chất lượng và năng lực cạnh tranh cho chính doanh nghiệp mình, đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Hoà Bình nói riêng và đất nước nói chung.
Gia Gia