Phó Chủ tịch Quốc hội: Cần đánh giá thực chất biểu đồ tăng trưởng

22:08 09/05/2023

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị làm rõ nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính ngân hàng.

Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài 4 ngày, từ ngày 9 - 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến nội dung chương trình kỳ họp cùng với 13 nội dung lớn dự kiến trình Quốc hội; đồng thời, xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng theo thẩm quyền.

Trong phiên khai mạc ngày 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung lưu ý thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2023 rất thấp trong điều kiện bình thường và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, hệ thống tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; làm rõ vấn đề mặt bằng lãi suất cho vay tăng cao, tăng trưởng tín dụng, nợ xấu, thị trường trái phiếu, bất động sản…

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị làm rõ nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính ngân hàng như: nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiền gửi của khách hàng với số tiền lớn, tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, tư vấn phát hành hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu của các công ty đại lý, phân phối nhưng đến hạn thanh toán thì chây ỳ hoặc mất khả năng thanh toán; gửi tiết kiệm bị chuyển thành tham gia mua bảo hiểm nhân thọ.

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ và thống nhất với các ý kiến của báo cáo thẩm tra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, cho biết, sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch, kinh tế nước ta đã đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao, đạt được 13/15 chỉ tiêu đề ra.

"Tuy nhiên, việc không đạt chỉ tiêu trong tỷ trọng chế biến, chế tạo trong GDP là điều đáng quan tâm, vì đây là chỉ số quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng, vì vậy, cần phân tích, làm rõ nguyên nhân và rút ra giải pháp để duy trì củng cố tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới", ông Cường nhấn mạnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đối với tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, chúng ta đối mặt với nhiều thách thức hơn thuận lợi, các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn số lượng đơn hàng suy giảm ngay cả với những mặt hàng xuất khẩu truyền thống, đầu tư công mới chỉ đạt tỷ lệ thấp, gây sức ép lớn lên việc hoàn thành mục tiêu vào những tháng cuối năm, nếu không có giải pháp quyết liệt thì sẽ không đạt được yêu cầu đặt ra.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao.

Đánh giá về kết quả trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, điều này phản ánh thực tiễn đúng theo những gì mà Chính phủ đánh giá khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023.

"Lúc đó nhận định về bối cảnh tình hình cho thấy khó khăn thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn. Thực tế đã diễn ra đúng như nhận định, thậm chí những khó khăn, thách thức còn lớn hơn những gì chúng ta dự kiến", ông Phương nhấn mạnh.

P.V (t/h)