Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chính thức ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới y tế cho thời kỳ 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đặt ra mục tiêu cụ thể nhằm cải thiện chất lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động y tế trên đất nước.
Theo quy hoạch, đến năm 2025, Việt Nam sẽ phấn đấu đạt 33 giường bệnh trên 10.000 dân, 15 bác sĩ trên 10.000 dân, 3,4 dược sĩ trên 10.000 dân và 25 điều dưỡng trên 10.000 dân. Đến năm 2030, các chỉ tiêu sẽ tiếp tục được nâng cao lên mức 35 giường bệnh, 19 bác sĩ, 4,0 dược sĩ và 33 điều dưỡng trên 10.000 dân, đồng thời tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15% tổng số giường bệnh. Trong tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ xây dựng các cơ sở y tế hiện đại, ngang tầm quốc tế, đồng thời phát triển ngành công nghiệp dược phẩm trong nước trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao.
Báo cáo từ Bộ Y tế cho biết, vào năm 2023, số lượng bác sĩ trên 10.000 dân của Việt Nam đã đạt 12,5, và tỷ lệ giường bệnh trên 1 vạn dân là 32. Tuy nhiên, đối với một số vùng miền, như Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, mật độ bác sĩ vẫn còn thấp hơn so với trung bình quốc gia.
Năm 2020, mật độ bác sĩ trên dân số trung bình của cả nước là hơn 9,8 bác sĩ/10.000 dân, nhưng vùng Tây Nguyên chỉ có 7,2 bác sĩ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 7,6 bác sĩ. Vùng Đông Nam bộ có mật độ bác sĩ cao nhất, là 10,6 bác sĩ/10.000 dân. Dự báo của Bộ Y tế, hiện năng lực đào tạo bác sĩ trên cả nước vào khoảng 13.000 bác sĩ tốt nghiệp mỗi năm.
Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ bao gồm một hệ thống các cơ sở y tế cấp vùng, liên tỉnh và liên ngành, bao gồm các lĩnh vực như khám chữa bệnh, y tế dự phòng, kiểm nghiệm thuốc, vắc xin và thiết bị y tế, cũng như các lĩnh vực dân số - sức khỏe sinh sản. Điều này nhấn mạnh sự cam kết của Chính phủ trong việc cải thiện dịch vụ y tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
P.V (t/h)