Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 17.4.2023 về việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Công điện nêu rõ, những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ đã tác động tiêu cực đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tăng trưởng của cả nước và ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ở mức cao; thị trường bị thu hẹp, một số thị trường truyền thống gặp khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân.
Công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đạt được một số kết quả tích cực nhưng chưa chuyển biến rõ rệt.
Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả kế hoạch IUU với tinh thần tập trung cao độ, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động, quyết liệt trong hành động để hoàn thành việc khắc phục tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC), chuẩn bị chu đáo nội dung và điều kiện để làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 4.
Công điện nêu rõ: “Kiên quyết thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài”.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan chỉ đạo, xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân cố tình thực hiện hành vi khai thác trái phép; điều tra, củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; các địa phương ven biển xác minh, xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục.
Thủ tướng phê bình các tỉnh: Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài từ đầu năm 2023 đến nay, yêu cầu các tỉnh tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2023.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương… triển khai những biện pháp kiểm soát, ngăn chặn triệt để nguyên liệu thủy sản khai thác bất hợp pháp nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu bằng tàu container theo khuyến nghị của EC.
Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo lực lượng biên phòng, kiểm ngư tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản theo quy định.
Liên quan tới việc gỡ thẻ vàng IUU, trong thời gian qua, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để tháo gỡ thẻ vàng thông qua triển khai những khuyến nghị của EC. Đó là từng bước hoàn thiện khung pháp lý, trong đó có sự ra đời của Luật Thủy sản 2017, cùng với một loạt Thông tư, Nghị định liên quan. Công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên đội tàu ngày càng được tích cực đẩy mạnh, đạt tỷ lệ cao, cùng với đó là sự chuyển biến về cơ sở vật chất, truy xuất nguồn gốc thủy sản...
Dù vậy, vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến EC vẫn chưa thể gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trước khi EC vào thanh tra lần thứ 4, qua 3 lần thanh tra, EC khẳng định Việt Nam đã đi đúng hướng và có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên chưa đạt yêu cầu để gỡ thẻ vàng, thậm chí có những lúc nguy cơ thẻ đỏ cận kề.
Có một số nội dung quan trọng EC nêu trong quá trình thanh tra. Cụ thể, về quản lý, giám sát đội tàu. Đây là bài toán rất lớn. Mặc dù chúng ta đã lắp thiết bị được cho 95% đội tàu, tuy nhiên, số còn lại lại là những đối tượng có nguy cơ cao. Số lượng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn. "Nếu không quản lý được đội tàu và tàu còn vi phạm thì không gỡ được thẻ vàng. Đây là vấn đề mấu chốt mà chúng ta phải giải quyết“ – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Bên cạnh đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc, quản lý sản phẩm nhập khẩu và đánh bắt trên biển. Đây là những vấn đề đã giao cho Cục Thú y, Cục Kiểm ngư rà soát xem xét lại. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Về vấn đề thực thi pháp luật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong việc xử lý tàu cá mắc vi phạm, nhiều tỉnh chỉ lập biên bản, không xử lý hành chính dẫn đến việc thực thi pháp luật chưa đồng đều và chưa hiệu quả.
Thực tế với việc xử lý không đồng đều và không thống nhất giữa các tỉnh dẫn đến những tàu cá vi phạm bị xử lý nặng ở những tỉnh này sẽ di chuyển đến những tỉnh bị xử phạt nhẹ hơn để hoạt động.
Thứ nữa là hạ tầng nghề cá vẫn là vấn đề lớn, với tổng sản lượng khai thác khoảng 3,95 triệu tấn mỗi năm. Riêng năm 2021, chúng ta có khoảng 3,72 triệu tấn. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nếu đầu tư 100% cho nhu cầu của giai đoạn 2016-2020, chúng ta mới quản lý được 1,92 triệu tấn. Do vậy, sản lượng thủy sản khai thác quản lý được mới chỉ từ 15-18%. Hạ tầng nghề cá còn yếu kém. Đây là nội dung rất lớn và cũng là một trong những nguyên nhân căn bản chưa gỡ được thẻ vàng.
P.V (t/h)