Quyết định nhằm quán triệt, tuyên truyền và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đồng thời nâng cao vai trò của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đây không chỉ là lĩnh vực y tế mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, phát huy giá trị truyền thống và thể hiện tinh thần tự cường dân tộc.
Y học cổ truyền được xác định là một bộ phận quan trọng trong hệ thống y tế quốc gia, vừa hỗ trợ khám chữa bệnh vừa gắn với các hoạt động kinh tế và an sinh xã hội. Các địa phương được khuyến khích nhân rộng các mô hình thành công và tích hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, đặc biệt tại các tuyến y tế cơ sở.
Du khách trải nghiệm ngâm chân thảo dược của đồng bào dân tộc Tây Bắc. Ảnh: TITC |
Kế hoạch đặt trọng tâm vào việc phát triển các sản phẩm y học cổ truyền có tính thương mại, phục vụ du lịch và xuất khẩu. Chính sách đặc thù về bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển dược liệu quý và đào tạo nhân lực chuyên sâu cũng được chú trọng để nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường quốc tế.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa liên quan đến dịch vụ và sản phẩm y học cổ truyền, kết nối với hệ thống quản lý quốc gia và ngành du lịch, là một trong những giải pháp hỗ trợ phát triển. Đồng thời, các hoạt động quảng bá, hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ cũng được đẩy mạnh nhằm nâng tầm thương hiệu y học cổ truyền Việt Nam trên trường quốc tế.
Phát triển vùng trồng dược liệu quy mô công nghiệp, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và nghiên cứu khoa học ứng dụng là những yếu tố then chốt. Các địa phương được khuyến khích bảo tồn nguồn gen, phát triển cây thuốc tại gia và tổ chức nuôi trồng dược liệu theo hướng bền vững, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo, vừa tạo cơ hội phát triển kinh tế.