Sàn TMĐT phải cung cấp dữ liệu cá nhân kinh doanh cho cơ quan thuế
Theo KTSG Online, đây là thông tư hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Thông tư có một số quy định tới việc các sàn TMĐT phải khai và nộp thuế thay các cá nhân kinh doanh trên sàn cũng như cung cấp nhiều thông tin tới cơ quan quản lý thuế.
Livestream là một trong các giải pháp các sàn thương mại điện tử đang đẩy mạnh để giúp người kinh doanh tiêu thụ hàng hóa. Trong ảnh là buổi livestream của sàn Vỏ Sò (voso.vn) và nghệ sĩ Quyền Linh đã giúp Bắc Giang bán được hơn 161 tấn vải. Ảnh: DNCC
Sàn TMĐT chỉ là trung gian?
Theo Vecom, 15 ngày sau khi thông tư nói trên được ban hành, ngày 15-6, Tổng cục Thuế phối hợp cùng Vecom tổ chức cuộc họp đầu tiên phổ biến, trao đổi về các quy định cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp của đại diện các sàn giao dịch TMĐT và các bên liên quan về việc triển khai thực hiện Thông tư 40/2021/TT-BTC.
Cuộc họp theo hình thức trực truyến này do Tổng cục Thuế chủ trì với sự tham gia của đại diện Cục Thuế Hà Nội và TPHCM. Tham gia sự kiện còn có đại diện Vecom và các sàn TMĐT tại Việt Nam như Lazada, Sendo, Shopee, Tiki, Voso (Viettel Post), Postmart (Vietnam Post), Chotot… và một số công ty tư vấn thuế, hộ kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Vecom cho biết, đây là lần đầu tiên hiệp hội và các hội viên được tiếp cận tới thông tư mới này. Vecom cho rằng Thông tư 40/2021/TT-BTC có nhiều nội dung mới so với bản dự thảo đăng tải đầu tiên ngày 12-3-2021 nhưng ban soạn thảo chưa tổ chức lấy ý kiến của các bên liên quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Do đó, một số quy định trong thông tư chưa có tính khả thi cao và có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn thương mại điện tử cũng như hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh trên sàn.
Đại diện các sàn giao dịch TMĐT cũng mong muốn được giải đáp thắc mắc về nội dung quy định cũng như nghĩa vụ của các sàn như chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Sàn giao dịch TMĐT không phải là đơn vị “trả thu nhập” mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định tại khoản 1, Điều 24 của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Cũng theo ý kiến chung từ Vecom, trong các trách nhiệm của sàn TMĐT theo quy định tại Nghị định 52/201/NĐ-CP về TMĐT, không có trách nhiệm phải kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán. Nghị định 52 cũng nêu rõ người bán trên sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm “thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”. Một trong những nội dung trong dự thảo Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 52 coi các mạng xã hội cung cấp dịch vụ bán hàng là sàn TMĐT. Như vậy nếu theo Thông tư 40/2021/TT-BTC thì các mạng xã hội kể cả của các nhà cung cấp nước ngoài cũng phải kê khai và nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh.
Vecom cho biết các sàn TMĐT cũng nêu kiến nghị về việc khó khăn khi kê khai thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn khi họ có thể là cá nhân ở các địa phương khác nhau trên toàn quốc khi tham gia kinh doanh trên sàn. Theo Điều 45 Luật Quản lý thuế, cá nhân kinh doanh sẽ phải kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế nơi họ đặt địa điểm kinh doanh. Trong khi đó, các sàn TMĐT có thể có địa điểm kinh doanh ở tỉnh, thành phố khác. Như vậy, việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai thay và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn sẽ dẫn đến mâu thuẫn với quy định hiện hành trong trường hợp cá nhân kinh doanh có trụ sở tại địa phương khác. Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các sàn TMĐT và cá nhân kinh doanh trong việc chứng minh với cơ quan thuế về số thuế đã khấu trừ, nộp thay với cơ quan thuế tại địa phương.
Lộ trình dự kiến triển khai áp dụng các yêu cầu với các sàn TMĐT, theo Thông tư 40/2021/TT-BTC sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8-2021, Vecom cho rằng đây là khoảng thời gian quá ngắn để các sàn có thể kịp chuẩn bị hệ thống cho việc thu thập dữ liệu và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Ngoài những thách thức mà các sàn TMĐT gặp phải khi áp dụng quy định mới như đã nêu bên trên, đại diện một số đơn vị cũng chỉ ra một số khó khăn khác, như trường hợp các sàn TMĐT không tham gia trực tiếp vào giao dịch mua bán. Cụ thể, một số sàn TMĐT chỉ đóng vai trò là nơi để người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, họ không thể kiểm soát cũng như không có thông tin về doanh thu, tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, mã số thuế, địa chỉ người bán. Để phù hợp với thực tiễn, cơ quan thuế nên cân nhắc chỉ áp dụng yêu cầu cung cấp thông tin và khai thuế, nộp thuế thay đối với các sàn có thực hiện chức năng là trung gian thanh toán giữa người mua và người bán.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng nói rằng, Vecom mong Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và các bộ ngành khác khi ban hành các văn bản pháp luật cần đảm bảo việc công bố dự thảo và lấy ý kiến công khai tới các bên liên quan. Vecom sẵn sàng tham gia góp ý các dự thảo cũng như phối hợp với ban soạn thảo tổ chức lấy ý kiến góp ý của hội viên cũng như các bên liên quan.
Trong ảnh là hoạt động nhận đơn hàng trực tuyến của nhân viên Saigon Co.op. Ảnh minh họa: TTXVN
Hiệp hội đã từng kiến nghị trước đó
Vecom cho biết trước khi Tổng cục Thuế tổ chức buổi họp trực tuyến phổ biến Thông tư 40 vào ngày 16-6, hiệp hội này đã có công văn kiến nghị gửi Bộ Tài chính vào ngày 7-6. Mong muốn của Vecom là đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên, vừa tuân thủ Luật Quản lý thuế, vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử và đặc biệt là tính khả thi của các quy định pháp luật mới.
Tại văn bản gửi Bộ Tài chính, Vecom cho biết bản thân hiệp hội và các thành viên của họ vô cùng quan ngại về tính khả thi và tác động tiềm tàng của những quy định mới tại thông tư trên.
Trong những năm qua các sàn thương mại điện tử đã cố gắng đầu tư về công nghệ, phát triển thị trường, nâng cao nhận thức và kỹ năng kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân. Mặc dù tốc độ tăng trưởng tăng khá nhanh nhưng tình hình tài chính của các sàn rất khó khăn. Trong khi nhà nước chưa có các chính sách, giải pháp khuyến khích hỗ trợ thiết thực thì các nghĩa vụ tuân thủ ngày càng cao, làm tăng gánh nặng quản trị và chi phí vận hành của các sàn.
Để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên, vừa tuân thủ Luật Quản lý thuế, vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử, đặc biệt là tính khả thi của Thông tư 40, Vecom kiến nghị Bộ Tài chính công bố công khai dự thảo thông tư, đồng thời tổ chức lấy ý kiến các bên liên quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài những nội dung cung cấp cho báo chí phản hồi về bất cập của thông tư được đưa ra vào ngày 17-6, tại công văn gửi đến Bộ Tài chính, Vecom còn cho rằng không phải mọi cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT đều có thể có được doanh thu đạt mức 100 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc yêu cầu các sàn TMĐT phải kê khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn sẽ dẫn đến tình huống các sàn TMĐT phải khấu trừ thuế từ toàn bộ doanh thu của cá nhân. Vô hình trung, hoạt động này sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các đối tượng là cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT và các cá nhân kinh doanh theo hình thức truyền thống hay các hình thức trực tuyến khác.
Việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn sẽ tạo rào cản đối với sự tiếp cận thương mại điện tử của các cá nhân kinh doanh, hộ gia đình kinh doanh nhỏ do sự bất bình đẳng nêu trên. Điều này đi ngược lại chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển TMĐT và kinh tế số của Chính phủ.
Thêm nữa, Vecom cho rằng theo quy định tại khoản 1 Điều 3, Nghị định 63/2010/NĐ-CP, quy định mới này đang tạo ra một thủ tục hành chính mới cho các bên trung gian thương mại. Việc đưa ra các yêu cầu tại dự thảo Thông tư như một thủ tục hành chính mới là không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản 4, Điều 14).
Về yêu cầu cung cấp thông tin, Vecom cho rằng về cơ bản, việc yêu cầu các bên trung gian như sàn TMĐT “cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế” là phù hợp với Điều 29 Luật Quản lý Thuế. Tuy nhiên, Vecom đề nghị Bộ Tài chính và ban soạn thảo điều chỉnh phần nội dung thông tin yêu cầu cung cấp để thống nhất với quy định hiện hành tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử nhằm đảm bảo tính khả thi và sự thống nhất giữa các quy định. Yêu cầu cung cấp thông tin cũng cần đảm bảo sự phù hợp với các quy định hiện hành về bảo vệ thông tin cá nhân tại Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử...
Trao đổi với KTSG Online, đại diện một số sàn TMĐT cũng đồng thuận với các góp ý, phản hồi của Vecom về Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính vừa mới ban hành ngày 1-6. Họ cho biết, Vecom đưa ra những góp ý như trên dựa trên cơ sở thu thập các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực.
Vân Ly