Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự cần thiết của việc tập trung toàn lực để hoàn thành mục tiêu thi đua 500 ngày đêm, nhằm đưa vào sử dụng 3.000km đường cao tốc trước năm 2025, tạo tiền đề cho việc hoàn thành 5.000km đường cao tốc vào năm 2030.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông, là một trong ba khâu đột phá mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định để phát triển đất nước. Hiện tại, Ban Chỉ đạo Nhà nước đang trực tiếp giám sát 40 dự án lớn, với 92 dự án thành phần, trải dài qua 48 tỉnh, thành phố trên cả ba phương thức giao thông: đường bộ, đường thủy, và hàng không.
Tính đến nay, Thủ tướng đã chủ trì 13 phiên họp của Ban Chỉ đạo, ban hành hàng loạt thông báo kết luận và chỉ đạo, cùng hơn 400 công điện nhằm tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án. Với sự kế thừa và rút kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước, Việt Nam đã hoàn thành 2.021km đường bộ cao tốc, góp phần mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương, thúc đẩy sự hình thành các khu công nghiệp, dịch vụ và thương mại mới, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa, và tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân.
Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải, các địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang triển khai thi công 38 dự án hoặc dự án thành phần, với tổng chiều dài khoảng 1.700km. Trong đó, có 25 dự án với tổng chiều dài 1.104km được dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Tuy nhiên, vẫn còn hai trở ngại chính là công tác giải phóng mặt bằng ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, và việc cung ứng nguồn vật liệu cát đắp công trình khu vực phía Nam chưa đạt được chỉ tiêu.
Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu cần nâng cao trách nhiệm, lắng nghe và học hỏi, đồng thời phải linh hoạt trong chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy hiệu quả việc triển khai các công trình, dự án. Cần có sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ và thấu hiểu lẫn nhau giữa các đơn vị, mạnh dạn áp dụng sáng tạo các quy định phù hợp với đặc thù của địa phương và điều kiện thực tế.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phân bổ nguồn lực cho các địa phương để triển khai những dự án trọng điểm quy mô lớn. Giúp thu hút và phát triển các doanh nghiệp lớn tại địa phương, từ đó khai thác tối đa tiềm năng tại chỗ. Đối với những người dân phải di dời để nhường đất cho các dự án, cần phải đảm bảo đời sống của người dân không bị thiệt thòi, thậm chí phải tốt hơn nơi ở cũ. Góp phần tạo sự đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng nhanh chóng hoàn thành các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư và nhà thầu trong việc khai thác và nâng công suất các mỏ cát, đá để đáp ứng nhu cầu cho các công trình cao tốc và giao thông trọng điểm.
Mỹ Anh