Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): "Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài có lẽ kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn trong các quý tiếp theo"

23:55 21/09/2021

Tại talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, dịch bệnh và tác động của các đợt giãn cách xã hội sẽ khiến nhiều doanh nghiệp tăng trưởng âm.

Chúng ta đã có thể nhìn thấy thời gian qua, dịch đã lan rộng ra tại các tỉnh thành phía Nam đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu hay Long An. Điều này đã khiến chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của tháng 7 đã ở dưới mức 50 điểm. Đặc biệt PMI tháng 8 đã sụt giảm xuống dưới mức 40,2 điểm, giảm tháng thứ 3 liên tiếp và là mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua.

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS)
Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS).

Tổng mức bán lẻ hàng hoá- một chỉ số rất là quan trọng đóng góp trong các chỉ số tăng trưởng kinh tế đã duy trì mức tăng trưởng âm trong hai tháng liên tiếp của tháng 7 và tháng 8 lần lượt là ở mức 19,8% và 23,7% so với cùng kỳ. Như vậy, chúng ta có thể thấy tác động của dịch đã bắt đầu ngấm dần vào nền kinh tế ở trong những tháng của quý 3 này.

Với vai trò là một động lực kinh tế rất quan trọng của cả nước, khu vực Đông Nam bộ đóng góp 38% GDP của cả nước, 48% kim thạch xuất khẩu, 41% ngân sách và 43% nguồn vốn đầu tư nước ngoài của cả nước. Nhưng nay khu vực này đang chịu ảnh hướng lớn từ dịch, nó sẽ tác động tới tăng trưởng của cả nước trong quý 3 này, cũng như là trong quý 4.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến tăng trưởng của khu vực Đông Nam bộ trong năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng âm và đồng thời tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 2021 cũng sẽ khó đạt được mục tiêu 6,5% đặt ra như ban đầu, dự kiến ở mức từ 3,5% tới 4% nếu như chúng ta kiềm chế được đại dịch sớm. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài có lẽ kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn trong các quý tiếp theo.

Chúng ta có thể thấy rằng hầu hết các nhóm ngành trong nền kinh tế đều chịu tác động. Đầu tiên là nhóm ngành hàng không và du lịch, ngành này tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh do nhiều đường bay đã bị dừng hoặc giảm tần suất. Tháng 8 vừa qua, đường bay từ Hà Nội tới TP.Hồ Chí Minh giảm từ 8 chuyến xuống 2 chuyến/ tuần. Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, tính từ 19/7 - 18/8, tất cả các hãng hàng không Việt Nam chỉ thực hiện được 1.536 chuyến bay, giảm 90,6% so với cùng kỳ năm ngoái .

Bên cạnh đó, một số các ngành khác chịu tác động bất lợi. Ví dụ như ngành bán lẻ, rất nhiều các cửa hàng trong đợt giãn cách vừa qua đã phải đóng cửa, đặc biệt là những cửa hàng không bán đồ thiết yếu.

Nhóm ngành ngân hàng cũng đã áp dụng rất nhiều biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp, hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng, nên cũng chịu tác động.

Bên cạnh đó, ngành xuất khẩu cũng chịu tác động mạnh. Ví dụ, giãn cách xã hội khiến phần lớn các nhà máy dệt may đặc biệt ở miền Nam - với khoảng 50% các nhà máy đặt tại Việt Nam phải đóng cửa. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 của ngành dệt may cũng giảm 18,7% so với tháng 7 và giảm gần 6% so với cùng kỳ năm 2020. Ngành da giầy cũng cho biết, sang đến tháng Tám thì tỷ lệ đơn hàng đã rút ra khỏi Việt Nam khoảng 20%, đến tháng 9 tỷ lệ này đã tăng lên khoảng từ 44 đến 50%. Rõ ràng tình hình giãn cách cũng như thiếu hụt lao động do phải hoạt động ở mức vừa phải đã gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành xuất khẩu.

Ngành bất động sản cũng chịu tác động khá mạnh do các khách hàng cũng không thể nào đến dự án để mà thăm quan hoặc là chốt các giao dịch mua bán bất động sản.

PV