Đặc biệt, dự cuộc gặp mặt có 72 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã thuộc các thành phần kinh tế.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, cho biết: Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam được thành lập ngày 19/10/2014, theo Quyết định số 749 của Bộ Nội vụ và sự bảo trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Số lượng doanh nghiệp Việt Nam do nữ làm chủ tăng nhiều trong những năm qua, từ 4% năm 2009, lên 21% năm 2011, và đến nay đạt tỷ lệ 25% (cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân).
Nữ doanh nhân Việt Nam ngày nay được cộng đồng doanh nghiệp ví như người thuyền trưởng vững vàng, chèo lái doanh nghiệp, đạt thành quả tốt trên thương trường. Nhiều chị trong Hiệp hội đã đạt những thành tựu lớn, được vinh danh bởi các danh hiệu cao quý và các giải thưởng quốc tế như: “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” “Top 50 doanh nhân quyền lực châu Á” nhiều năm liên tiếp, “Nữ Doanh nhân ASEAN tiêu biểu”, “Nữ doanh nhân quyền lực” tại Diễn đàn Tri thức Thế giới (Hàn Quốc), “Giải thưởng Doanh nhân có trách nhiệm cộng đồng (Châu Á)”; Giải vàng Doanh nhân của năm “Stevie Award”; “Top 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc đang thay đổi các ngành công nghiệp và khu vực”, “Top 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam", hàng trăm nữ doanh nhân được tặng danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”,.v.v. Không chỉ trên thương trường, nhiều nữ doanh nhân vẫn luôn gìn giữ, phát huy, xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, với thiên chức của người phụ nữ, người mẹ, người vợ trong xây dựng gia đình, chăm sóc thế hệ trước và nuôi dạy thế hệ sau.
Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động xây dựng hình ảnh, nuôi dưỡng tinh thần nữ doanh nhân Việt, khát vọng dân tộc, đánh thức tiềm năng, sức sáng tạo của nữ doanh nhân; nhiều hoạt động nâng cao năng lực về chuyển đổi số, công nghệ, quản trị rủi ro, tham gia xúc tiến thương mại, đầu tư trong nước và ngoài nước, kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp hội viên. Đã tổ chức nhiều diễn đàn góp ý Văn kiện Đại hội Đảng, xây dựng luật pháp chính sách, tuyên truyền để hội viên ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước và chế độ với người lao động.
Nhắc lại những ngày giãn cách căng thẳng nhất vừa qua khi đại dịch gây ra sự khủng hoảng chưa từng có, bà Thái Hương cho rằng, ngay từ khi dịch bùng phát, Chính phủ và các bộ ban ngành đã vào cuộc, lấy sức khỏe, an toàn của người dân làm trọng tâm để đưa ra quyết sách, hành động. Chính phủ luôn cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân và mọi thành phần trong xã hội, tham khảo những mô hình phòng chống dịch có hiệu quả trong khu vực và trên thế giới, sử dụng mọi biện pháp một cách linh hoạt, thích ứng cho từng địa phương và từng thời kỳ. Tuy nhiên, dịch bùng phát nhanh và nghiêm trọng, phức tạp chưa có tiền lệ, do vậy, chưa có các bài học từ trước để rút ra kinh nghiệm, nhưng Chính phủ đã làm mọi cách trong điều kiện có thể.
Sự vào cuộc của Chính phủ, từ những lãnh đạo cao nhất, cho đến các bộ ban ngành thực sự đã truyền cảm hứng cho những nữ doanh nhân chúng tôi. Đến giờ trong đầu tôi vẫn nhớ như in về hình ảnh chiếc áo sơ mi đẫm mồ hôi của Thủ tướng khi thị sát tình hình chống dịch ở Bình Dương, đứng cùng người dân để chờ đợi nhân viên y tế phản hồi cuộc gọi hỗ trợ vào đường dây nóng, hay kiểm tra từng chai dầu ăn, gói thực phẩm tại chợ đầu mối xem có đủ để cung cấp cho người dân trong vùng dịch bệnh,… Hay hình ảnh những y bác sỹ, những chiến sỹ công an bộ đội ăn những bữa cơm vội vàng và những giấc ngủ không tròn trong vùng dịch để tiếp tục tận tâm công tác phòng chống dịch,… Những hình ảnh đó đã đánh thức và tiếp sức cho chúng tôi nỗ lực ứng biến trước khó khăn, thách thức, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh doanh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng tôi cũng có những tầng lớp doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững, tạo ra các sản phẩm thiết yếu, mang lợi thế của Việt nam trong ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, thực phẩm sạch,.v.v. mang lại giá trị to lớn, bảo đảm tính căn cơ và bền vững cho sức khỏe toàn dân lâu dài, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh.
Tuy trong khó khăn, các doanh nghiệp nữ và Hiệp Hội Nữ doanh nhân vẫn tiên phong trong các hoạt động đóng góp vào Quỹ vắc xin quốc gia, mua máy thở, thiết bị vật tư y tế, ủng hộ tuyến đầu chống dịch, các Siêu thị 0 đồng, giúp đỡ người lao động, cộng đồng khó khăn... Tổng giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Và cao hơn hết là các doanh nghiệp đã nhận thức cao vai trò, trách nhiệm của mình để chấp hành nghiêm túc các quyết sách, chỉ đạo của Chính phủ.
Sự lắng nghe, quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp cũng vậy, liên tiếp trong tháng 8 và 9 vừa rồi, Thủ tướng đã tổ chức 2 Hội nghị trực tuyến lớn để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tướng với vai trò như một Tổng tư lệnh, là Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý nhanh các vướng mắc, ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
"Sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành thực sự đã truyền cảm hứng cho giới doanh nhân. Đến giờ hình ảnh áo sơ mi Thủ tướng đẫm mồ hôi khi chỉ đạo phòng chống dịch ở Bình Dương hay hình ảnh những y bác sĩ, công an, bộ đội ăn bữa cơm vội vàng… đã đánh thức chúng tôi nỗ lực cống hiến, vượt khó khăn, thách thức, phát triển bền vững…", bà Thái Hương chia sẻ.
Đánh giá cao việc liên tiếp trong tháng 8 và 9, Thủ tướng đã tổ chức 2 Hội nghị lớn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành lập Tổ công tác đặc biệt xử lý nhanh, triển khai hỗ trợ doanh nghiệp…, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP cuối năm 3% là khả thi.
Trúc Sam