![]() |
Hội nghị thu hút hơn 100 doanh nghiệp tham gia |
Đến dự hội nghị có sự tham dự của Ông Trịnh Minh Hoàng – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Ninh Thuận; ông Lê Văn Hoan - Ủy viên BCH Đảng bộ Chính Phủ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Ông Đào Quang Trường - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam và nhiều lãnh đạo các sở, ban, ngành, hiệp hội... và hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Nhiều lãnh đạo tham dự hội nghị |
Theo quy hoạch chiến lược tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023, với tầm nhìn chiến lược về “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh tạo dư địa cho tăng trưởng. Quy hoạch xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: Năng lượng và năng lượng tái tạo; Du lịch chất lượng cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Xây dựng và thị trường bất động sản.
Tỉnh Ninh Thuận xác định việc tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước giúp chủ đầu tư huy động thêm cùng các nguồn vốn khác để thực hiện nhiều dự án lớn, quan trọng của tỉnh, góp phần thực hiện kế hoạch tăng trưởng kinh tế địa phương năm 2025 ở mức 13 - 14%, đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả nhiệm kỳ. Trong đó, tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 42 - 43%, dịch vụ 32 - 33%, nông lâm thủy sản chiếm 24 - 25% trong GRDP. Tăng GRDP bình quân đầu người từ mức 98,2 triệu đồng/người trong năm 2024 lên 115 triệu đồng/người trong năm 2025.
![]() |
Ông Trịnh Minh Hoàng – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại hội nghị |
Ông Trịnh Minh Hoàng – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Sự kiện ngày hôm nay liên quan đến nghị quyết 68 là kết nối vốn cho doanh nghiệp. Chúng tôi thấy mặc dù Nhà nước có chính sách về tín dụng nhưng để tiếp cận cũng hết sức khó khăn đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy đồng chí Chủ tịch UBND Tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã đề nghị mở một hội nghị kết nối tín dụng tại Ninh Thuận để giúp doanh nghiệp tiếp cận các tổ chức tín dụng, cơ cấu nguồn vốn trong kinh doanh”.
PGS.TS Trần Đình Thiên – Ủy viên Hội đồng Tư vấn Chính sách, nguyên Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ: Ninh Thuận tổ chức sự kiện hôm nay theo tôi là khá bất ngờ, tỉnh làm nhanh và hiện thực hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW một cách quyết liệt. Tỉnh đã kết nối Ngân hàng VDB và các doanh nghiệp tư nhân đó là vấn đề đột phá. Nếu đột phá được Ninh Thuận có thể tạo ra sự bứt phá. Bởi vì, ở Ninh Thuận hiện nay các dự án lớn đảm nhiệm trách nhiệm vụ quốc gia rất rõ ràng. Ví dụ như dự án điện hạt nhân hoặc cảng Cà Ná và liên quan đến các dịch vụ cảng Cà Ná... Trên nền tảng này có sự tham gia của ngân hàng và sự tháo gỡ chính sách của Chính phủ. Vì thế Ninh Thuận đang chứng minh không gì là không thể.
Tại hội nghị Ngân hàng VDB đã ký kết cung cấp tín dụng 35,5 ngàn tỷ với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam; Công ty Cổ phần Tập đoàn BIM; Công ty Cổ phần Tập đoàn K-MS;Công ty TNHH SEAGULL ADC Ninh Thuận; Công ty TNHH Phú An Thành Gia Lai.
Đây là các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo; hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp; cảng biển; sản xuất chế biến công nghiệp; nông nghiệp thủy sản ứng dụng công nghệ cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
![]() |
Tập đoàn Trung Nam được VDB cấp tín dụng 14.000 tỷ đồng để triển khai các dự án tại Ninh Thuận |
Cụ thể Tập đoàn Trung Nam được VDB cấp tín dụng cho các dự án trên 14.000 tỷ đồng, tập trung cho các Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Cà Ná – Giai đoạn I; các dự án Điện gió; Điện mặt trời theo quy hoạch điện 8 điều chỉnh sẽ nhanh chóng được triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Tâm Thịnh – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nam chia sẻ: Trong 5 năm tới tiếp tục mở rộng khu vực Cảng, KCN Cà Ná sẽ được đầu tư 100.000 tỷ đồng sẽ là động lực đưa vùng này phát triển. Mong muốn ngân hàng VDB cùng các doanh nghiệp ngồi đây cùng Trung Nam làm giàu cho tỉnh Ninh Thuận.
![]() |
Công ty Cổ phần Tập đoàn BIM đầu tư đa ngành các lĩnh vực năng lượng, hóa chất, du lịch tại Ninh Thuận được VDB cấp vốn 5000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án tại Ninh Thuận |
Ông Đoàn Quốc Huy - Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn BIM cho biết, đã đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng vào Ninh Thuận đến thời điểm này. Công ty sẽ đầu tư 25.000 tỷ vào các lĩnh vực hóa chất, năng lượng tái tạo, du lịch. Do đó đòi hỏi nguồn vốn dài hạn và lãi suất ổn định. Và chúng tôi may mắn tiếp cận được ngân hàng VDB có được những điều kiện đó.
Dịp này Công ty Cổ phần Tập đoàn BIM dự kiến được VDB cấp tín dụng là 5.000 tỷ đồng để triển khai các dự án tại Ninh Thuận.
Trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã tích cực triển khai cho vay mới tín dụng đầu tư theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP. Tính đến 20/3/2025, VDB đã ký kết 31 hợp đồng tín dụng đầu tư mới với tổng số chấp thuận cho vay là 12.243 tỷ đồng, tổng số vốn giải ngân cho vay là 3.137 tỷ đồng.
Tại Ninh Thuận, Chi nhánh VDB Khu vực Nam Trung Bộ đang tiếp nhận hồ sơ để thẩm định cho vay 03 dự án, tổng số vốn vay trên 2.000 tỷ đồng. Năm 2025 và những năm tới đây, mục tiêu của Chi nhánh sẽ tập trung ưu tiên nguồn vốn tín dụng đầu tư cho các dự án mới đủ điều kiện triển khai, đặc biệt là các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, năng lượng, năng lượng tái tạo, nhà ở xã hội, sản xuất chế biến công nghiệp, nông nghiệp thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Dự kiến nguồn vốn tín dụng đầu tư khoảng 5.000 – 10.000 tỷ đồng.
![]() |
Ông Đào Quang Trường - Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chia sẻ các điều kiện vay vốn tại VDB |
Ông Đào Quang Trường - Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho biết: VDB có con đường riêng để hướng đến kinh doanh. Chúng tôi tập trung ưu đãi vào nguồn vốn dài hạn, và vùng đặc biệt khó khăn, cũng như ưu đãi vào tài sản bảo đảm, thời gian vay vốn kéo dài từ 15 – 30 năm.
Ông Nguyễn Bá Ngọc – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mực nhảy Biển Đông đầu tư tại Ninh Hải, Ninh Thuận nêu ý kiến: Doanh nghiệp tôi là ngành nuôi biển có ý định mở rộng 2000 ha để nuôi giống mực nhân tạo. Chúng tôi gặp khó khăn trong đầu tư, hiên nay tôi đã đầu tư 100 tỷ đồng xuống biển, nhưng chưa tiếp cận được ngân hàng nào cho vay vốn. Để chúng tôi vươn khơi, bám biển được chúng tôi rất cần ngân hàng VDB tạo điều kiện hoặc có cơ chế gì cho những doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa không?
Đại diện của Ngân hàng VDB trả lời: Ngân hàng phát triển Việt Nam cho vay đầu tư, trước kia ưu đãi lãi suất, nhà nước cấp bù lãi suất thông qua ngân sách. Theo nghị định mới 78/2023/NĐ-CP ngày 07/11/2023 của Chính phủ phải theo thông lệ của các ngân hàng cho vay và phải bảo toàn vốn. Nếu dự án của anh có hiệu quả kinh tế, theo quy định của NĐ 78 thì được cho vay. Còn về tài sản bảo đảm trong dự án, nếu tài sản đó có rủi ro thì phải thế chấp bằng tài sản khác.
Theo quy định, hiện VDB có thể cho vay đối với một khách hàng tối đa khoảng 12.000 tỷ đồng và đối với nhóm khách hàng tối đa khoảng 20.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn nêu trên trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính và đề nghị của VDB.
VDB quyết định lãi suất cho vay theo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí và không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các Ngân hàng Thương mại trong nước trong cùng thời kỳ. Lãi suất cho vay năm 2025 là 6,9%/năm.