Năm 2021 đóng vai trò bản lề với tiến trình phát triển của bóng đá Việt Nam, khi cả đội tuyển quốc gia và U22 Việt Nam đều đứng trước những mục tiêu quan trọng.
Không chỉ bảo vệ ngôi số 1 khu vực, mà các học trò của HLV Park Hang Seo còn cần vượt qua vòng loại thứ hai World Cup - sân chơi mà tuyển Việt Nam đang có lợi thế lớn.
Mục tiêu ưu tiên hướng tới: Vòng loại World Cup 2022
Tại Hội nghị tổng kết năm 2021, Tổng cục TDTT cho biết Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã có chỉ đạo về việc phải tổ chức tốt SEA Games 31.
Tuy nhiên nếu xét về chất lượng chuyên môn, Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 mới là mặt trận được HLV Park Hang Seo đặc biệt đặt quyết tâm cao. Chuyện này không có gì lạ khi đây giải đấu lớn nhất hành tinh, dành cho cấp độ ĐTQG. Tại bảng G, đội tuyển Việt Nam cũng đang có nhiều thuận lợi khi dẫn đầu với 11 điểm, đứng trên Malaysia (9 điểm) và Thái Lan (8 điểm). Nếu bỏ lỡ thời cơ, có thể sẽ còn rất lâu bóng đá Việt Nam mới tiến sát tới cơ hội lớn như vậy để vào được vòng loại thứ cuối một kỳ World Cup.
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn cho rằng, thẳng thắn thì bóng đá Việt Nam chưa đạt tới đẳng cấp World Cup. “Chúng ta cần thực tế khi đánh giá về trình độ của mình để đưa ra mục tiêu, định hướng đúng. Nhưng khi có cơ hội, chúng ta cũng không nên bỏ lỡ bởi nếu vào được vòng loại cuối của World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam sẽ được thi đấu với những đội bóng hàng đầu châu Á. Đây là cơ hội để các cầu thủ cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm”, ông Trần Quốc Tuấn cho biết.
Thuận lợi của HLV Park Hang Seo là bóng đá Việt Nam vừa qua diễn ra suôn sẻ, nên các cầu thủ cũng duy trì được thể lực, trạng thái thi đấu. Tuy nhiên, việc nhiều trụ cột ở hàng thủ chấn thương có thể đặt ông Park trước bài toán nhân sự, ít nhất cho trận đấu với Malaysia ngày 30/3 tới.
Giữ ngai vàng Đông Nam Á
Song song với mục tiêu tiến ra biển lớn, tuyển Việt Nam cũng cần bảo vệ vị thế khu vực với cả hai mục tiêu quan trọng: AFF Cup và SEA Games.
Việc dời AFF Cup về quãng thời gian cuối năm là tín hiệu tích cực cho tuyển Việt Nam. Các cầu thủ có thể tập trung toàn lực cho vòng loại World Cup, thay vì bị AFF Cup chen ngang (từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5) như lịch thi đấu ban đầu. Ở sân chơi này, Việt Nam đang là đương kim vô địch, và vẫn là đội tuyển số 1 Đông Nam Á.
COVID-19 có thể khiến giải phải đổi thể thức thi đấu, từ lượt đi - lượt về sang đá tập trung ở một quốc gia. Dù vậy, với những đội bóng mạnh, thể thức thi đấu có thể ảnh hưởng tới tính toán đường dài, chứ không tác động nhiều đến khả năng vô địch. Tuyển Việt Nam đủ cứng cỏi để vượt qua mọi khó khăn.
Dù đang dần khẳng định tên tuổi ở châu Á, nhưng tuyển Việt Nam vẫn cần chức vô địch khu vực để đảm bảo vị thế. Hai mục tiêu vượt vòng loại World Cup và vô địch AFF Cup, vì thế, quan trọng và cần thiết như nhau. Mỗi mục tiêu đạt được sẽ giúp bóng đá Việt Nam bước lên một tầm cao mới, thể hiện được sức mạnh và đẳng cấp sau quãng thời gian được đầu tư, chú trọng.
Ở cấp độ trẻ, mục tiêu số 1 hiển nhiên là SEA Games 31. U22 Việt Nam sẽ hướng tới nhiệm vụ bảo vệ thành công tấm huy chương vàng.
Dù lứa cầu thủ U22 hiện tại không có nhiều nhân tố đặc biệt xuất chúng như đàn anh, song màn thể hiện của Nguyễn Hữu Thắng, Huỳnh Công Đến, Bùi Hoàng Việt Anh xuyên suốt thời gian qua, nhất là ở hai trận giao hữu với tuyển Việt Nam, cũng đáng để người hâm mộ kỳ vọng.
U22 Việt Nam đã thi đấu sòng phẳng, tự tin, không hề e ngại khi gặp tuyển QG. Đẳng cấp vẫn còn độ chênh nhất định, nhưng các cấp độ đội trẻ dưới thời HLV Park luôn thi đấu với cái đầu ngẩng cao và tinh thần lăn xả, dù phải gặp bất cứ ai. Đó là điểm tựa để U22 Việt Nam giành huy chương vàng thứ hai liên tiếp, tại kỳ SEA Games tổ chức trên sân nhà.
Bóng đá trẻ Việt Nam đang có sự tiếp nối tốt. Những lo ngại về "đứt gãy" thế hệ sẽ trở thành thừa thãi nếu U22 Việt Nam tái lập kỳ tích của các đàn anh.
Bóng đá Việt Nam sẽ đối diện với năm 2021 rất nhiều thách thức. Dịch COVID-19 vẫn là nỗi ám ảnh với các giải đấu, khiến lịch thi đấu có thể bị xáo trộn bất cứ lúc nào. Nhưng trong "nguy" vẫn có "cơ". Khó khăn bủa vây là cơ hội để bóng đá Việt Nam thể hiện sức sống mãnh liệt, cũng như khả năng hoạch định, tính toán để không đi chệch đường ray khỏi những mục tiêu lớn.
Tổ chức tốt V-League 2021
Khi các giải đấu quốc tế bị hoãn hoặc để ngỏ khả năng phải lùi dài hạn vì dịch, việc tổ chức tốt giải bóng đá VĐQG, V-League có tính chất sống còn đối với bóng đá Việt Nam. Năm 2020, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ này, nhưng năm 2021 hứa hẹn tình hình có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy khi V-League không “chạy”, bóng đá đối diện với nhiều nguy cơ.
Việc nhiều đội bóng như HAGL, TP Hồ Chí Minh, CLB Hà Nội hay Bình Định...đầu tư mạnh là một tín hiệu tốt với V-League 2021. Tuy nhiên, BTC cũng đứng trước đòi hỏi phải có phương án dự phòng linh hoạt cho các trường hợp xấu có thể xảy ra vì dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các tồn tại cũ cần giải quyết triệt để hơn, đặc biệt là công tác trọng tài.
TH