Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc xây dựng và tạo dựng nên những giá trị về kinh tế, ngành thủy sản cũng còn một số tồn tại, thách thức nhất định như: quy mô sản xuất còn chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu ngành chưa hợp lý,đâu tư cho hạ tầng chưa đồng bộ, giá trị gia tăng thủy sản thấp, việc bảo vệ ngành nguồn lợi thủy sản còn hạn chế, vốn đầu tư cho ngành còn khó khăn, chính sách phát triển thủy sản nhiều bất cập, việc khai thác trái phép tại các vùng biển nước ngoài vẫn diễn ra…
Theo Tổng cục Thống kê, tháng Một năm nay thời tiết ngư trường nhìn chung thuận lợi. Đây là tháng giáp Tết nên ngư dân tích cực bám biển. So với cùng kỳ năm trước, số ngày hoạt động của tàu thuyền đánh cá nhiều hơn (Tết Nguyên đán năm 2020 tập trung vào tháng Một). Sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 245,4 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; khai thác biển đạt 232,3 nghìn tấn, tăng 2,7%. Trong đó, sản lượng cá đạt 191,6 nghìn tấn, tăng 2,5%; sản lượng tôm đạt 11,0 nghìn tấn, tăng 4,8%. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ và giá cả sản phẩm khai thác thủy sản. Thị trường tiêu thụ nội địa giảm, thị trường tiêu thụ Trung Quốc cũng hạn chế nhập khẩu để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, giá cả sản phẩm giảm so với trước kia đã gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm khai thác hải sản, các khuyến nghị, vướng mắc trong thủ tục xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác vào thị trường châu Âu tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và xuất khẩu thủy sản của nước ta.
Tàu đánh cá muốn ra khơi phải có giấy phép khai thác, hoạt động đúng ngư trường, không khai thác ở vùng biển nước ngoài, phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và bật liên tục trong quá trình hoạt động, trước khi ra vào cảng phải thông báo trước 1 giờ… Do vậy, các địa phương có hoạt động khai thác hải sản đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình các tàu cá có chiều dài từ 15m và lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh Movimar cho tàu có chiều dài từ 24m theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu để quản lý việc khai thác, cảnh báo tàu vi phạm vùng biển các nước, hướng tới khai thác biển bền vững và góp phần tháo gỡ thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam. Tàu thuyền khai thác thủy sản biển được cơ cấu lại theo hướng giảm dần tàu công suất nhỏ khai thác gần bờ và tăng tàu công suất lớn, nâng cao năng suất tàu thuyền, đẩy mạnh khai thác xa bờ.
Việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thuỷ sản nhất là ứng dụng vào công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch đã từng bước cải thiện nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Tác phong, tập quán của ngư dân chậm thay đổi, không theo kịp với quá trình hiện đại hoá của hoạt động khai thác thủy sản.
Các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới, đặc biệt là EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có những yêu cầu chặt chẽ về kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Nhiều phương pháp truy xuất nguồn gốc hải sản và hàng trăm hệ thống riêng lẻ đã xuất hiện trong những năm gần đây trong chuỗi cung ứng hải sản và các nhà cung cấp công nghệ. Điều nay đã gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam vì phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà nhập khẩu.
Vấn đề cấp thiết hiện nay của thủy sản Việt Nam là chuyển từ khai thác sang nuôi trên biển, cụ thể là giảm công suất tàu, giảm sản lượng khai thác, tăng diện tích nuôi biển áp dụng công nghệ cao; đồng thời quản lý chặt chẽ theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản để cải thiện chuỗi giá trị. Muốn làm được điều đó, phải kết hợp công nghệ RFID (hệ thống nhận dạng bằng tần số của sóng vô tuyến) và blockchain (hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin) để xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm giúp cho việc quản lý, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của thủy sản sẽ dễ dàng hơn; đồng thời có thể kiểm soát chặt chẽ việc đánh bắt xa bờ và quản lý hiệu quả việc nuôi trồng thủy sản.
Lê Mai