Hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ ba trên thế giới về sản xuất và đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam đạt gần 24 tỷ USD, và mục tiêu xuất khẩu năm 2024 là đạt 26 - 27 tỷ USD.
Trong năm 2024, các ngành như dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ đã có những khởi sắc rõ rệt. Đặc biệt, ngành da giày đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là ở các thị trường có Hiệp định EVFTA và CPTPP. Từ những tháng cuối năm 2023, xuất khẩu của ngành da giày đã phục hồi mạnh mẽ và nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2024.
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2024, ngành dệt may và da giày tiếp tục nằm trong nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của cả nước, chỉ xếp sau các mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ và phương tiện khác. Cụ thể, mặt hàng dệt may đạt 13,116 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023; giày dép đạt 8,639 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Đây là kết quả hết sức khả quan trong bối cảnh năm 2023, khi ngành da giày đối mặt với nhiều thách thức và kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 20,24 tỷ USD, giảm 15,3% (tương ứng giảm 3,66 tỷ USD) so với năm trước. Năm 2024, có nhiều tín hiệu lạc quan cho hoạt động xuất khẩu giày dép khi các nền kinh tế lớn và thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành da giày Việt Nam có khởi sắc. Việt Nam đã ký kết và tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với lộ trình giảm thuế, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp da giày trong nước phát triển thị trường.
Với những yếu tố tích cực và kết quả xuất khẩu khởi sắc trong thời gian qua, ngành da giày Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những tăng trưởng khả quan trong năm 2024. Các chuyên gia phân tích cho rằng, các nền kinh tế lớn cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng của ngành da giày Việt Nam sẽ có khởi sắc trong năm nay. Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia sản xuất và xuất khẩu giày dép, túi xách khác. Chất lượng nguồn lao động tốt, với kỹ năng hơn 30 năm sản xuất giày dép cùng uy tín thương hiệu "made in Vietnam" ngày càng được khẳng định.
Trong năm 2024, bên cạnh các thị trường có FTA, ngành da giày Việt Nam tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường, đồng thời chú trọng duy trì các thị trường truyền thống như Mỹ và EU do sức mua và dung lượng thị trường lớn. Về phân khúc sản phẩm, Việt Nam được đánh giá có thể sản xuất những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và sản phẩm có độ khó cao. Ngành giày dép không định hướng sản xuất các sản phẩm có giá trị thấp vì lợi nhuận thấp và lãng phí nguồn lực, mà sẽ tập trung vào phân khúc sản phẩm trung và cao cấp.
P.V (t/h)