Doanh nghiệp tư nhân là gì?
Doanh nghiệp tư nhân là một tổ chức kinh tế có hoạt động sản xuất kinh doanh và được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ và chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả các hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tư nhân là một công ty trách nhiệm vô hạn và không có tư cách pháp nhân. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu mọi trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bằng tất cả tài sản. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là thành viên của công ty hợp danh hay chủ hộ kinh doanh.
Doanh nghiệp tư nhân theo khoản 2, 3 và 4 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 được quy định như sau: Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào;
Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh;
Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân được chia thành 6 loại đặc điểm sau đây: Một là, doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ sở hữu. Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân sở hữu sẽ không xuất hiện sự góp vốn giống như các doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu khác. Thay vào đó, nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân này chủ yếu là từ tài sản của chủ doanh nghiệp.
Hai là, quan hệ sở hữu vốn trong doanh nghiệp: Nguồn vốn ban đầu của doanh nghiệp tư nhân bắt nguồn từ chính tài sản cá nhân của chủ doanh nghiệp. Trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ doanh nghiệp có thể toàn quyền tăng hoặc giảm số vốn đầu tư. Chủ doanh nghiệp chỉ phải khai báo với các cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp giảm số vốn dưới mức đăng ký. Bởi vậy, giữa phần vốn và tài sản đưa vào kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân là không có giới hạn và phần còn lại cũng thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc không có sự tách bạch giữa tài sản của doanh nghiệp tư nhân và tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân đó.
Ba là, quan hệ về quyền quản lý doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp chỉ có một chủ sở hữu duy nhất. Bởi vậy, chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định trong tổ chức cũng như quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân cũng chính là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó.
Bốn là về phân phối lợi nhuận: Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ sở hữu duy nhất và toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ thuộc về chủ doanh nghiệp. Bởi vậy, với mô hình doanh nghiệp tư nhân sẽ không tồn tại vấn đề phân chia lợi nhuận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chủ doanh nghiệp phải có nghĩa vụ chịu mọi rủi ro trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Năm là doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân: Một pháp nhân bắt buộc phải có tài sản riêng, tức là phải có sự tách bạch giữa tài sản của pháp nhân và người tạo ra pháp nhân đó. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân không có sự tách bạch giữa tài sản của doanh nghiệp tư nhân và tài sản của chủ doanh nghiệp đó. Bởi vậy, doanh nghiệp tư nhân được coi là không có tư cách pháp nhân.
Sáu là doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ: Do không có sự độc lập về tài sản nên chủ doanh nghiệp phải có nghĩa vụ chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi rủi ro của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân không chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong phạm vi vốn đầu tư đã đăng ký, mà còn phải chịu bằng toàn bộ tài sản của chủ doanh nghiệp nếu số vốn đã đăng ký không đủ.
Để thành lập doanh nghiệp tư nhân cần đảm bảo các điều kiện sau: Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân; Tên doanh nghiệp phải được đặt rõ ràng, không trùng lặp với tên của doanh nghiệp khác; Trụ sở có địa chỉ rõ ràng và hợp pháp
Ngành nghề kinh doanh hợp pháp và đáp ứng đủ điều kiện của pháp luật hiện hành;
Đảm bảo yêu cầu về vốn pháp định đối với các ngành nghề yêu cầu về vốn pháp định;
Chủ doanh nghiệp phải đáp ứng đủ tất cả các quy định của pháp luật trong Luật Doanh nghiệp 2020.
Quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt
Quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt theo Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2020 được quy định như sau:
Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế.
Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó.
Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân được thực hiện thông qua người đại diện.
Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp thì: Chủ doanh nghiệp tư nhân tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp tư nhân cho cá nhân, tổ chức khác.
Trần Linh (T/h)