Những điểm sáng quan trọng của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm

14:50 03/03/2021

Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 2/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra tới 7 điểm sáng của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm.

Điểm sáng quan trọng của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm
Điểm sáng quan trọng của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm. 

Điểm sáng đầu tiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đó là kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Tháng 2/2021, do là tháng Tết, số ngày làm việc ít hơn, lại cộng thêm với những ảnh hưởng của Covid-19, nên sản xuất công nghiệp đã giảm tới 7,2% so với cùng kỳ. Nhưng nếu tính chung, thì Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) vẫn tăng 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 6,2% của 2 tháng đầu năm ngoái.

“Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm tăng 5,49%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ tăng 5,4% - PV); không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá bất hợp lý đối với hàng hóa phục vụ Tết, nhất là sản phẩm nông, lâm, thủy sản”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Không chỉ vậy, điểm sáng của nền kinh tế còn được thể hiện ở việc thị trường tiền tệ, tín dụng trước, trong và sau Tết Nguyên đán tương đối ổn định. Tương tự, mặc dù tháng 2/2021 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, song tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy một số chuyển biến tích cực.

Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng đạt trên 8.000 doanh nghiệp, cao hơn so với mức trung bình khoảng 7.300 doanh nghiệp trong các tháng Tết giai đoạn 2016 - 2020. Tháng 2/2021 cũng ghi nhận hơn 4.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi chỉ có gần 7.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giảm 19,8% so với cùng kỳ.

“Điều này phản ánh niềm tin và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phục hồi của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Các điểm sáng khác được Bộ trưởng chỉ ra, đó là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt kết quả ấn tượng, xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Trên thực tế, xuất nhập khẩu - bất chấp Covid-19 - vẫn luôn là điểm sáng của nền kinh tế. Những kết quả mà Việt Nam đạt được trong thương mại hàng hóa thậm chí luôn được các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế đánh giá cao, gọi là cú “lội ngược dòng” so với thế giới.

Báo cáo Chính phủ khi đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, không phải chỉ có 8, mà có tới 10/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, có thêm 2 chỉ tiêu đạt và vượt, một trong số đó là tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7% (con số báo cáo cuối năm 2020 là khoảng 1% - PV).

Hai tháng đầu năm nay, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu còn lớn hơn thế: ước đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu tăng tới 23,2% - một kết quả tích cực trong “thời Covid-19”.

Ngoài các điểm sáng này, trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhấn mạnh việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục được thúc đẩy, với con số ước giải ngân tính đến hết tháng 2/2021 là 23.480 tỷ đồng, đạt 5,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Một điểm sáng khác, đó là đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số tiếp tục có chuyển biến tích cực. Đây được coi là một động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Trong khi đó, điều quan trọng là, cân đối ngân sách Trung ương và địa phương được đảm bảo. Số liệu cho thấy, thu ngân sách nhà nước 2 tháng qua đạt 21,3% dự toán, tăng 0,6%, trong khi tổng chi đạt 12,3% dự toán, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020. Chi ngân sách nhà nước, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã đáp ứng được các nhiệm vụ cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách đón Tết cổ truyền.

PV

Tags: