Báo cáo mới nhất của PwC "Kinh doanh xuyên lãnh thổ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2019 – 2020" cho biết các lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam đang lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh. Cụ thể với 49% trong tổng số 1.000 lãnh đạo được khảo sát cho biết "rất lạc quan" về tăng trưởng doanh thu trong năm tiếp theo, so với chỉ số trung bình trong khối APEC là 34%.
Trong số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC có hiện diện tại Việt Nam, 44% có kế hoạch tăng cường đầu tư vào quốc gia này trong năm tới, giúp Việt Nam tiếp tục là điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu.
Bên cạnh tình hình khả quan về đầu tư xuyên biên giới, 62% lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát kỳ vọng sẽ tăng cường đầu tư trong nước trong năm sau, tỉ lệ này cao hơn ở các nền kinh tế mạnh khác, ví dụ như Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, TGĐ PwC Việt Nam cho biết: "Giữa những áp lực có thể tiên liệu được từ các rào cản thương mại lên các nền kinh tế trong khu vực cũng như Việt Nam, Việt Nam vẫn đang vươn lên theo đà tăng trưởng cùng với sự lạc quan của các lãnh đạo doanh nghiệp được củng cố , và nền kinh tế tiếp tục thu hút nguồn đầu tư không chỉ từ nước ngoài mà còn từ chính nguồn lực kinh tế trong nước".
Bên cạnh những kết quả về triển vọng doanh nghiệp, khảo sát còn cho thấy các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam có mức độ ưu tiên đáng kể tới phát triển công nghệ cũng như trang bị nguồn nhân lực những kỹ năng cần thiết để doanh nghiệp duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường, điều này cũng phù hợp với xu thế trên toàn cầu hiện nay.
Khoảng 80% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận phát triển công nghệ là ưu tiên chiến lược. Do đó, đây là tín hiệu khả quan khi đa số các lãnh đạo có kế hoạch tăng phân bổ ngân sách, đặc biệt cho tích hợp dữ liệu và hệ thống, cũng như đẩy mạnh phát triển các kỹ năng số trong 2 năm tới.
Tuy nhiên, PwC cho rằng khi tự động hóa và trí tuệ nhân tạo ngày một lấn sâu vào lực lượng lao động, vai trò của người lao động cũng đang được tái xác định.
23% chủ doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc tuyển mộ nhân lực có kỹ năng phù hợp để phục vụ cho tự động hóa. Và chỉ 5% các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, so với 12% trong APEC cho biết nhờ tự động hóa mà họ đang tạo ra thêm việc làm và tuyển dụng được nhân sự phù hợp.
Trong khi 80% các chủ doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát cho biết ứng dụng công nghệ hiện đại giúp nâng cao niềm tin của khách hàng, chỉ 49% tin rằng tín nhiệm của công chúng cũng được cải thiện.
Đề cập đến một số lĩnh vực cần được bổ sung thêm quy định pháp lý để củng cố tín nhiệm của công chúng, các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cũng như APEC đều quan ngại về vấn đề trí tuệ Nhân tạo và an ninh mạng.
Để đổi mới và phát triển trong nền kinh tế số, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn có thêm sự giám sát, định hướng và dự đoán.
Ông Bob Moritz, Chủ tịch của PwC Global nhận định rằng thường, chủ doanh nghiệp ít khi kêu gọi bổ sung thêm các quy định.
"Tuy nhiên, các công ty đang rất chú ý tới những rủi ro mà những chính sách lỏng lẻo, thiếu hiệu quả có thể gây ra trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, An ninh mạng và Bảo mật. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các kế hoạch đầu tư của công ty, cũng như lòng tin của khách hàng với doanh nghiệp", ông nói.
Kết quả khảo sát năm nay cho thấy đây là thời điểm tốt để các doanh nghiệp góp phần định hình khung quy định pháp lý dựa trên nguyên tắc.
Hà Thư