Ngày 21/7, UBND TP Hà Nội ban hành phương án chi tiết về triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên quy mô lớn để phòng, ngừa chủ động, tạo miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.
13 nhóm đối tượng ưu tiên
Theo kế hoạch, đối tượng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo Quyết định số 2995/QĐ-BYT của Bộ Y tế là “người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong các thành phần vaccine”.
Việt Nam đang sử dụng các loại vaccine phòng COVID-19 của các hãng Astra Zeneca, Pfizer, Moderna và Sinopharm. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các vaccine này đều được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Riêng vaccine Astra Zeneca, theo hướng dẫn của nhà sản xuất được tiêm cho người từ 18 - 65 tuổi (người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính cần thận trọng trong tiêm chủng).
Ảnh minh họa.
Thứ tự ưu tiên đối tượng tiêm, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/CĐ-CP đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác và đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vaccine, cụ thể:
Nhóm 1: Lực lượng tuyến đầu chống dịch, gồm người làm việc trong các cơ sở y tế công lập và tư nhân, người tham gia phòng chống dịch, lực lượng quân đội, công an.
Nhóm 2: Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài, hải quan và cán bộ xuất nhập cảnh.
Nhóm 3: Cán bộ, người lao động các cơ quan, đơn vị đã tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch, các đơn vị hỗ trợ cho phòng chống dịch.
Nhóm 4: Người cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, vận tải, dịch vụ điện nước, ngân hàng, kho bạc, chứng khoán, bưu chính viễn thông, xuất nhập khẩu hàng hoá, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, cơ sở chăm sóc sức khoẻ, dược vật tư y tế, người dân ở vùng du lịch…
Nhóm 5: Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục đào tạo, làm việc tại cơ quan hành chính tiếp xúc nhiều người.
Nhóm 6: Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
Nhóm 7: Công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp.
Nhóm 8: Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
Nhóm 9: Người sinh sống ở các khu vực có dịch.
Nhóm 10: Các chức sắc tôn giáo.
Nhóm 11: Lao động phổ thông thường xuyên tiếp xúc nhiều người như lao động tự do, lái xe tắc xi, xe ôm, bốc vác, đánh giày, bán hàng rong…
Nhóm 12: Người làm việc trong các trại giam, phạm nhân.
Nhóm 13: Người dân không nằm trong các nhóm trên, nhưng có thể ưu tiên theo yêu cầu chống dịch tại từng thời điểm cụ thể.
Chỉ định hãng vaccine cho người dân
Người dân được tiêm mũi 1 bằng vaccine nào thì tiêm trả mũi 2 bằng vaccine đó. Với người được tiêm mũi 1 bằng vaccine của AstraZeneca, có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine của Pfizer, khoảng cách từ 8 - 12 tuần sau tiêm mũi 1. Vaccine có hạn sử dụng ngắn cấp phát trước.
Theo kế hoạch, thành phố sẽ phân bố chỉ 1 loại vaccine tại cùng thời điểm; các đơn vị triển khai tiêm hết loại vaccine này mới chuyển sang loại vaccine khác, nhưng phải dự trù đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine cùng loại cho 1 người và tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm 1 loại vaccine ở cùng một thời điểm để tránh người dân thắc mắc.
UBND TP Hà Nội cho biết, hệ thống tiêm chủng của Hà Nội được xây dựng trên nền tảng phục vụ chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã giữ vai trò chủ yếu trong công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; việc tổ chức tiêm chủng được thực hiện tại các Trạm Y tế và một số bệnh viện. Ngoài ra còn có các điểm tiêm chủng vaccine dịch vụ tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
Hiện trên toàn thành phố có có 604 dây chuyền tiêm chủng tại các cơ sở đã công bố đủ điều kiện tiêm chủng đảm bảo hoạt động. Trong đó có, 547 dây chuyền tại cơ sở công lập đủ điều kiện (504 tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; 18 tại Phòng khám đa khoa thuộc Trung tâm Y tế huyện; 25 tại các bệnh viện công lập); 57 dây chuyền tại cơ sở tư nhân đủ điều kiện (18 tại bệnh viện tư nhân, 39 tại Phòng khám đa khoa tư nhân và cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư nhân).
Thành phố Hà Nội cho biết, khi nguồn vaccine được phân bổ đủ số lượng, việc tiêm vaccine sẽ triển khai đồng loạt trên toàn Thành phố. Tuy nhiên, khi nguồn vaccine chưa đủ, sẽ phân bổ số lượng vaccine cho các quận, huyện, thị xã theo thứ tự ưu tiên: Có ca F0 mới, có nhiều khu công nghiệp, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung...
Ngoài ra, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế tại thời điểm triển khai chiến dịch sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương nhằm đảm bảo tối ưu nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh với nguyên tắc: Ưu tiên tiêm trước cho các nhóm đối tượng ở các quận, huyện đang có dịch.
MINH TUỆ