Tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 28/04/2023, bên cạnh kế hoạch kinh doanh, Ban lãnh đạo Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP/HoSE) có những dự báo về thị trường ống nhựa trong thời gian tới.
Đầu tiên là kế hoạch kinh doanh, năm 2023 BMP đặt mục tiêu doanh thu 6.357 tỷ đồng và lãi sau thuế 651 tỷ đồng, tăng 9% về doanh thu nhưng giảm 6% về lợi nhuận thu so với thực hiện 2022.
Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoàng Ngân nhận định, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang “bất động” thì BMP vẫn hoạt động bình thường đã là điều hết sức khả quan. Theo đó, kế hoạch 2023 phần nào thể hiện sự tự tin của HĐQT đối với hoạt động kinh doanh của Công ty, tuy nhiên cũng không kém phần thận trọng khi đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn năm 2022.
Chủ tịch BMP Sakchai Patiparnpreechavud cho biết, năm nay BMP sẽ giữ chiến lược như trước khi tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm, giữ vị thế trên thị trường, bên cạnh đó là tăng tính tự động hóa để gia tăng sản lượng. Nhìn chung, để đạt được kế hoạch, Công ty phải kiểm soát được quá trình sản xuất và chi phí.
Chia sẻ thêm về giá hạt nhựa PVC, Chủ tịch BMP cho biết, việc giá PVC tăng trong quý I/2023 là do Trung Quốc mở cửa trở lại. Nhiều nhà sản xuất trước đây có lượng hàng tồn kho thấp nên đẩy mạnh tăng tỷ lệ hàng tồn kho khiến nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, bước sang quý II, giá PVC sẽ ổn định trở lại.
Tổng Giám đốc BMP Chaowalit Treejak cho biết thêm, Công ty luôn liên tục quan sát để điều chỉnh hàng tồn kho phù hợp. Mặt khác, BMP đã thành lập Ban quản lý chuỗi cung ứng để làm việc với các bên cung cấp để đảm bảo duy trì lượng hàng tồn kho hợp lý.
Cổ đông BMP lo ngại sẽ có nhiều đơn vị mới tham gia thị trường và có thể ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của Công ty. Về lo ngại này, Chủ tịch BMP chia sẻ, nhiều đơn vị mới tham gia thị trường hiện nay đa phần có quy mô vừa và nhỏ, khác với BMP. BMP chủ yếu làm các sản phẩm cao cấp, có lợi thế về chất lượng. Do đó, các đơn vị mới đang phải cạnh tranh với chất lượng cũng như danh tiếng của BMP hiện tại.
Mặt khác, BMP không thể ngăn cản các đơn vị mới tham gia thị trường nhưng chính khách hàng sẽ là người phân biệt được chất lượng giữa các thương hiệu.
Phó Chủ tịch BMP chia sẻ thêm, nhìn vào kết quả kinh doanh của BMP thì có thể thấy khả quan nhưng nhìn rộng ra thì đang có nhiều doanh ngiệp nhỏ trong ngành đang phải dừng hoạt động, bán tài sản do không đủ sức cạnh tranh.
Trong năm nay, Nhựa Bình Minh đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến 6.357 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến 651 tỷ đồng, giảm 6,2% so với năm ngoái.
Về định hướng kinh doanh, Nhựa Bình Minh cho biết, sẽ kiên định với ưu tiên phát triển thị phần; tăng cường khả năng cạnh tranh chung thông qua việc đa dạng sản phẩm, mở rộng đối tượng khách hàng; và xây dựng Hệ thống phân phối theo mô hình kinh doanh chủ động để tăng tính chủ động khi xây dựng kế hoạch và triển khai phát triển thị trường.
Nhựa Bình Minh hiện là một trong những doanh nghiệp nhựa hàng đầu tại Việt Nam, chiếm hơn 45% thị phần tại thị trường miền Nam. Vị thế đầu ngành giúp công ty có sự cạnh tranh cao và khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng năm trong bối cảnh rào cản gia nhập ngành nhựa hiện tương đối thấp.
Bên cạnh đó, công ty mẹ của Nhựa Bình Minh là Công ty TNHH Nhựa và Hoá chất TPC Vina cũng là một trong những nhà sản xuất hạt nhựa PVC lớn nhất Việt Nam, giúp giảm thiểu rủi ro tăng giá nguyên vật liệu, qua đó giúp đảm bảo biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh. Đây là lợi thế mà những doanh nghiệp cùng ngành hiện chưa có được.
P.V (t/h)