Nhu cầu sử dụng công nghệ tăng cao: Yếu tố thúc đẩy đầu tư cho thành phố thông minh

09:21 26/11/2022

Nếu như chuyển đổi số là “mệnh lệnh kinh doanh” giúp doanh nghiệp chuyển dịch theo hướng số hóa một cách nhanh chóng, thì thành phố thông minh là một “lợi thế xã hội” mang đến sự phát triển toàn diện và an toàn cho tất cả mọi người.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Công nghệ đã làm thay đổi không gian sống của con người bằng nhiều cách khác nhau. Các thành phố thông minh đang nỗ lực tận dụng công nghệ dữ liệu và kỹ thuật số để cung cấp dịch vụ, giải pháp tốt hơn phục vụ cho cư dân và giải quyết nhiều vấn đề công cộng.

Quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, nhu cầu sử dụng công nghệ tăng cao, đây chính là các yếu tố thúc đẩy các nước đẩy mạnh đầu tư cho sự phát triển của thành phố thông minh.

Đại dịch Covid-19 đã có những tác động vô cùng mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội. Trong đó, các thành phố đã thay đổi cách vận hành và hoạt động, người dân cũng có những cách sinh hoạt và làm việc khác với trước đây.

Khi các thành phố bắt tay vào xây dựng kế hoạch phục hồi sau đại dịch, những xu hướng mới cũng bắt đầu xuất hiện. Mục tiêu hướng đến xây dựng một thành phố thông minh, có khả năng thích ứng nhanh hơn với rủi ro và biến cố trong tương lai.

Nếu như chuyển đổi số là “mệnh lệnh kinh doanh” giúp doanh nghiệp chuyển dịch theo hướng số hóa một cách nhanh chóng, thì thành phố thông minh là một “lợi thế xã hội” mang đến sự phát triển toàn diện và an toàn cho tất cả mọi người. Không có mô hình chung có thể áp dụng cho mọi đô thị, nhưng điểm cốt lõi là thành phố thông minh tận dụng dữ liệu từ con người, địa điểm và vạn vật, để tự động hoá hạ tầng và các dịch vụ.

Quá trình xây dựng thành phố thông minh đòi hỏi việc tăng cường hạ tầng cơ sở, khiến nó hoạt động hiệu quả, thông minh hơn và chuyển đổi kết quả cho mọi đối tượng liên quan trong xã hội. Sự vận hành này yêu cầu các giải pháp công nghệ phải làm việc cùng nhau để chia sẻ dữ liệu một cách phù hợp, đưa ra quyết định ở cấp độ cao và sử dụng đám mây được tổ chức cùng với một trung tâm khen thưởng tích hợp. 

Theo Precedence Research, thành phố thông minh sẽ đạt gần 7,2 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Kinh nghiệm triển khai thành phố thông minh trên thế giới

Các thành phố có xuất phát điểm khác nhau, có ưu tiên phát triển khác nhau, có vị trí địa lý và trình độ phát triển cũng như nguồn lực không giống nhau, nên không thể có một mô hình phát triển thành phố thông minh nào phù hợp và “vừa vặn” với tất cả.

Ví dụ Singapore là quốc gia thành phố nhỏ, dân số ít, hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ và hiện đại, do đó việc triển khai xây dựng Sáng kiến Quốc gia thông minh có nhiều thuận lợi hơn. Dù vậy, từ kinh nghiệm triển khai thành phố thông minh trên thế giới, có thể đúc kết một số bước đi hiệu quả để các nước tham khảo.

Kinh nghiệp thứ nhất là thành lập lực lượng liên ngành, trực thuộc chính phủ để hoạch định chính sách, đường lối, kế hoạch cụ thể và quản lý, giám sát việc thực thi; xây dựng chiến lược tổng thể ở cấp độ quốc gia để trên cơ sở đó, các bộ/ngành, tỉnh/thành sẽ cụ thể hoá dựa trên thực tế và xây dựng kế hoạch.

Việc số hóa quản trị đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bộ/ngành, do đó cần phải có đại diện của tất cả các bộ/ngành trong lực lượng trên để có thể triển khai đồng bộ.

Thứ hai là ưu tiên tập trung thí điểm thực hiện sáng kiến phát triển đô thị thông minh tại một số thành phố lớn, trên cơ sở đó rút ra những bài học để triển khai trên diện rộng.

Việc phát triển đô thị thông minh ở cấp độ quốc gia cần sự điều tiết của chính phủ, tránh tình trạng thành phố nào cũng có đề án phát triển thành phố thông minh của riêng mình, gây lãng phí nguồn lực về con người và tài chính. Việc phát triển đô thị thông minh phải đi đôi với xoá đói giảm nghèo tại các khu vực nông thôn, miền núi, tránh để hố ngăn cách giàu nghèo giữa các vùng miền ngày càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.

Kinh nghiệm tiếp theo là khuyến khích, huy động sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng thành phố thông minh. Chính quyền đô thị thông minh và thành phố thông minh là phải tạo ra quá trình tương tác giữa chính quyền với chính quyền, giữa chính quyền với người dân, giữa người dân và người dân, qua đó chính quyền hiểu người dân, biết họ muốn và cần điều gì để đáp ứng nhu cầu của họ theo một cách kinh tế và bền vững nhất.

Kinh nghiệm này đã được chứng minh qua thực tế phát triển thành phố thông minh của chính quyền Tel Aviv (Israel) hay thành phố Cork của Ireland.

Đối với cách thức quản lý của chính quyền đô thị và thành phố thông minh, người dân được đặt ở vị trí trung tâm.
Đối với cách thức quản lý của chính quyền đô thị và thành phố thông minh, người dân được đặt ở vị trí trung tâm.

Ứng dụng Big Data trong thành phố thông minh

Trong quy hoạch và vận hành một thành phố thông minh, việc tích hợp các giải pháp vào cùng một hệ thống chung giúp tăng hiệu quả kiểm soát các nguồn tài nguyên. Như tại North Holland, Hà Lan, mọi thông tin của phương tiện giao thông, tình hình đường sá đều được cập nhật liên tục vào một hệ thống điều hành chung của toàn thành phố.

Ông Boris Kock - Quản lý hệ thống giao thông thông minh North Holland, Hà Lan cho hay: "Chúng tôi đã số hóa cơ sở hạ tầng và kết nối tất cả mọi thứ với nhau. Chúng tôi nhận thấy hệ thống đã tăng 15% hiệu quả hoạt động của giao thông".

Cũng giống North Holland, nhiều thành phố, doanh nghiệp cũng đang sử dụng hệ thống điện toán Edge AI nhúng của AAEON nhằm gia tăng hiệu suất lập kế hoạch về không gian làm việc, hệ thống giao thông hay an ninh hiệu quả hơn. Hệ thống có thể được bảo trì từ xa và chức năng khởi động an toàn tích hợp bảo vệ phần mềm khỏi các cuộc tấn công.

"75% doanh thu của chúng tôi là từ mảng thiết kế sản phẩm công nghệ theo đơn đặt hàng. Có nhiều công ty công nghệ hàng đầu đang sử dụng các thiết bị biên AI của chúng tôi trong các lĩnh vực như nhà máy thông minh, thành phố thông minh và an ninh. Họ có thể tạo ra các giải pháp AI của riêng họ khi sử dụng hệ thống của chúng tôi", bà April Lin - Quản lý Kinh doanh Quốc tế, Công ty Công nghệ AAEON cha sẻ.

Việc ứng dụng Big Data sẽ còn bùng nổ mạnh mẽ trong vài năm tới. Thị trường Big Data trong thành phố thông minh được dự báo sẽ đạt 800 triệu USD vào năm 2026.

Quá trình xây dựng thành phố thông minh đòi hỏi việc tăng cường hạ tầng cơ sở
Quá trình xây dựng thành phố thông minh đòi hỏi việc tăng cường hạ tầng cơ sở.

06 xu hướng định hình thành phố thông minh 2022

Những xu hướng định hình thành phố thông minh bao trùm nhiều lĩnh vực. Những xu hướng này có thể giúp quốc gia xây dựng và phát triển chiến lược chuyển đổi đô thị, đồng thời cũng có thể giúp họ cân bằng áp lực ngắn hạn với nhu cầu dài hạn.

Xu hướng được đưa ra dưới đây không loại trừ lẫn nhau nhưng cũng không hoàn toàn phù hợp với mọi thành phố trên thế giới. Nhà lãnh đạo thành phố nên có cách tiếp cận tổng thể, vì hầu hết các xu hướng này đều có mối liên hệ và phụ thuộc hoặc bổ sung cho nhau.

Sức khỏe thông minh

Đại dịch đã cho thấy một điều rõ ràng: Cần tạo ra môi trường sức khỏe tốt hơn cho người dân. Công nghệ thông minh có thể giảm bớt áp lực lên hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe bằng cách hỗ trợ chẩn đoán và điều trị, đồng thời hỗ trợ tự chăm sóc, phòng ngừa bệnh tật.

Được dẫn dắt bởi phân tích dữ liệu, chăm sóc sức khỏe thông minh có thể được điều chỉnh để phù hợp cho mỗi cá nhân và gia đình của họ. 

Rất nhiều ứng dụng có thể theo dõi tình trạng bệnh lý mãn tính và tạo điều kiện cho việc theo dõi bệnh nhân từ xa. Những ứng dụng này cũng có thể giúp bệnh nhân kết nối với chuyên gia y tế, mua thuốc - thực phẩm chức năng và thiết bị thông minh online, tự luyện tập và xây dựng chế độ dinh dưỡng,... một cách tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả.

An ninh thông minh

Sinh trắc học, nhận dạng khuôn mặt, camera thông minh và giám sát qua video đều đang thu hút được sự chú ý khi ngày càng nhiều đô thị hướng tới mục tiêu xây dựng một thành phố an toàn (Safe City).

Những công nghệ này giúp thành phố thông minh xác định được hình mẫu và xu hướng trong dữ liệu tội phạm, tiết kiệm thời gian phản hồi và tăng cường khả năng dự đoán. Theo báo cáo của McKinsey, việc sử dụng các công nghệ an ninh thông minh nêu trên có thể giúp giảm 80% số người tử vong và 30% tổng số vụ hành hung hoặc cướp bóc.

Tuy nhiên, ngay cả khi công nghệ mang lại nhiều lợi ích, quyền riêng tư và quyền tự do dân sự của công dân vẫn cần được tôn trọng. Vì vậy, các thành phố phải rất cẩn thận trong việc giải quyết vấn đề đạo đức và ban hành quy định đi kèm khi sử dụng công nghệ vào việc đảm bảo an ninh, trật tự.

Camera thông minh được sử dụng tại nhiều quốc gia phát triển để tăng cường an ninh trật tự
Camera thông minh được sử dụng tại nhiều quốc gia phát triển để tăng cường an ninh trật tự.

Năng lượng thông minh

Bên cạnh việc đầu tư vào năng lượng sạch, thành phố thông minh có thể sử dụng công nghệ để giám sát việc sử dụng năng lượng theo thời gian thực và tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng. 

Năm 2019, The Coalition for Urban Transitions ước tính rằng các thành phố có thể cắt giảm khoảng 90% lượng khí thải vào năm 2050 bằng cách sử dụng công nghệ và thực tiễn đã được chứng minh được điều đó.

Cắt giảm năng lượng dựa trên việc sử dụng vật liệu bền vững, không vi phạm đạo đức, thiết kế thân thiện với môi trường và tiết kiệm tài nguyên, hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ kỹ thuật số để thích ứng với việc sử dụng. 

Ví dụ, ở Amsterdam, những ngôi nhà có đồng hồ đo năng lượng thông minh để khuyến khích giảm tiêu thụ năng lượng. Trong khi đó, Bắc Kinh giảm khoảng 20% chất độc hại trong không khí ​​thông qua việc theo dõi nguồn ô nhiễm và điều chỉnh hoạt động sinh hoạt, sản xuất sao cho phù hợp. Công ty Schenectady ở New York đang nâng cấp đèn đường lên công nghệ LED, có thể điều chỉnh độ sáng dựa trên dữ liệu thời gian thực.

Cuộc cách mạng năng lượng góp phần tạo ra một nền kinh tế vòng tròn thông qua việc phân cấp sản xuất năng lượng với nhiều nguồn tái tạo. Điều này đang tạo tiền đề cho các thành phố chủ động hơn trong việc tiêu thụ năng lượng.

Cơ sở hạ tầng thông minh

Cơ sở hạ tầng tạo thành xương sống của mọi thành phố và công nghệ có thể nâng cấp giao diện hiện có theo nhiều cách, đặc biệt là xây dựng những tòa nhà xanh.

Gartner,Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới,dự đoán sẽ có hơn 4 tỷ thiết bị Internet vạn vật (IoT - Internet of Things) kết nối trong các tòa nhà thông minh, trung tâm thương mại vào năm 2028. Công nghệ này được cung cấp bởi cơ sở hạ tầng viễn thông với 5G và Wifi hiệu quả cao, cùng với những tiện ích thông minh khác.

Một số công nghệ xu hướng có thể được ứng dụng trong tòa nhà xanh bao gồm cảm biến IoT để giám sát nước thải và tắc nghẽn, ứng dụng cảm biến đỗ xe, cảm biến chiếu sáng và hệ thống phát hiện cháy,...

Giao thông thông minh

Giao thông thông minh được xem là xu thế tất yếu để phát triển các thành phố thông minh. Công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligent), Dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật được ứng dụng rộng rãi nhằm xây dựng nên hệ thống giao thông hiện đại, văn minh hơn.

Công nghệ được ứng dụng trong giao thông thông minh mang đến nhiều giải pháp thiết thực như: Thu phí không dừng (ETC - Electronic Toll Collection), kiểm soát trọng tải, camera giám sát giao thông thông minh, hệ thống trung tâm giám sát điều hành giao thông thông minh,...

Tại Việt Nam, giao thông thông minh đã được chủ trương triển khai những năm gần đây và đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Việc ứng dụng thành công giải pháp giao thông thông minh tạo điều kiện thuận lợi liên quan đến cơ sở hạ tầng, chính sách, chiến lược và sự ưu tiên đầu tư phát triển.

Công dân thông minh

Cuối cùng, thành phố thông minh cần nâng cao tiếng nói của cư dân. Hiện nay, nhiều ứng dụng cho phép công dân báo cáo cơ quan chức năng ngay lập tức khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra. Đồng thời, những nền tảng mạng cộng đồng cho phép mọi người tập hợp lại và chia sẻ tài nguyên dễ dàng hơn.

Các thành phố đang phát triển như một hệ sinh thái hợp tác, với sự tham gia nhiều thành tố hơn và minh bạch hơn. Dữ liệu mở và các công nghệ mới nổi đang mở đường cho thành phố thông minh hướng tới mục tiêu lấy con người làm trung tâm của sự đổi mới, phát triển.

Tú Anh (t/h)