Nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Iran

14:37 11/08/2023

Iran không chỉ là thị trường tiềm năng mà còn là cửa ngõ trung chuyển cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập khu vực thị trường Trung Đông, Trung Á.

Sáng 9/8 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hoà Hồi giáo Iran, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự và phát biểu tại Diễn đàn chính sách, pháp luật về thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Iran.

Cùng dự có các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam; Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Ngoại giao Iran cùng hàng trăm đại diện doanh nghiệp Việt Nam và Iran.

Phát biểu chào mừng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Iran và tham dự Diễn đàn, ông Hossein Selahvarzi - Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp Mỏ và Nông nghiệp Iran cho rằng, hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại. Thị trường Việt Nam và thị trường Iran có tính bổ sung cho nhau. Chính phủ, Quốc hội hai nước đều ủng hộ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước chưa tương xứng với quan hệ về chính trị, ngoại giao, đòi hỏi hai bên cần giải pháp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.

Ảnh minh họa
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trước mắt hai bên cần tháo gỡ các vướng mắc và khó khăn để sớm thực hiện mục tiêu tăng kim ngạch thương mại hai nước trong tương lai gần.

Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hiện Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế và điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay Việt Nam đã thu hút hơn 37.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 450 tỷ USD, được Liên Hợp Quốc xếp vào nhóm 20 nước có thu hút thành công nhất về FDI trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Việt Nam và Iran có nền kinh tế hoàn toàn không cạnh tranh nhau một cách trực tiếp mà bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Việt Nam đánh giá rất cao vị trí vai trò của Iran trong khu vực, đặc biệt là tiềm lực của Iran về khoa học công nghệ, về quy mô nền kinh tế, dân số, về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hai nước hoàn toàn có thể hợp tác với nhau để đưa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao rất tốt đẹp của hai nước.

Trước mắt hai bên cần tháo gỡ các vướng mắc và khó khăn để sớm thực hiện mục tiêu tăng kim ngạch thương mại hai nước trong tương lai gần; tiếp tục hoàn thiện các khung khổ thế chế pháp lý đã có; tiếp tục làm mới để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hai nước. Hiện nay, hai bên đã xây dựng được một số khuôn khổ hợp tác quan để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, sớm đưa kim ngạch thương mại tăng lên.

Quốc hội hai nước sẽ cùng nhau hợp tác để thúc đẩy và giám sát Chính phủ trong việc hoàn thiện và thực thi các hiệp định đã được ký kết cũng như sẽ được ký kết trong thời gian tới để tăng cường hơn nữa quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư.

Ảnh minh họa
Hàng Việt có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Iran nhờ cơ cấu bổ trợ lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp.

Nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Iran

Theo Thương vụ Việt Nam tại Iran, hiện dân số Iran đạt gần 90 triệu người, xếp thứ 17 trên thế giới, trong đó cơ cấu độ tuổi từ 25-50 tuổi chiếm phần lớn, do đó đây là thị trường tiêu thụ lớn.

Iran không chỉ là thị trường tiềm năng mà còn là cửa ngõ trung chuyển cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Đông, Trung Á với vài trăm triệu dân. Hiện tại các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Iran bao gồm các nông sản như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, các loại gia vị, một số hoa quả. Các mặt hàng này đã được người dân Iran ưa chuộng từ rất lâu, trong thời gian tới hàng Việt có cơ hội xuất khẩu sang Iran nhờ cơ cấu bổ trợ lẫn nhau không cạnh tranh.

Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Iran, đặc biệt là hàng nông sản còn ở nhu cầu nhập khẩu của Iran rất lớn, do đất nước này thường xuyên bị hạn hán, mất mùa. Chỉ tính riêng một số hoa quả nhiệt đới, mỗi năm Iran nhập khẩu khoảng 470.000 tấn, trị giá tương đương 700 triệu USD. Tại Iran, mỗi người dân tiêu thụ 120 kg hoa quả mỗi năm, hoa quả nhiệt đới là mặt hàng rất được ưa chuộng tại Iran, điển hình như dứa, xoài.

Nếu làm tốt công tác thị trường, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể xuất khẩu các loại hoa quả khác như thanh long, chanh leo, ổi, đu đủ, măng cụt, bưởi sang thị trường Iran.

Theo kế hoạch sắp tới, Việt Nam và Iran sẽ tổ chức kỳ hợp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước để hai bên nghiên cứu, đánh giá toàn diện các mặt hợp tác, chỉ ra giải pháp và đề ra phương hướng tương lai. Ngoài ra tại kỳ họp này, dự kiến hai bên sẽ chính thức ký bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch động vật, thực vật, qua đó giúp hàng hóa thế mạnh của hai nước được xuất khẩu sang nhau nhiều hơn.

P.V