Nhiều doanh nghiệp chi trả cổ tức “khủng”

00:00 12/10/2020

Từ sau tháng 3 là thời điểm mà phần lớn doanh nghiệp bắt đầu họp đại hội đồng cổ đông thường niên, trong đó phân phối cổ tức là một chủ đề quan trọng. Năm 2019 đang chứng kiến rất nhiều công ty “mạnh tay” trong chuyện trả cổ tức.

Một công ty cà phê từng gây bất ngờ khi chia cổ tức với tỷ lệ lên đến 660%. Ảnh: Thành Hòa

Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay đang ghi nhận khá nhiều doanh nghiệp thông báo mức chia cổ tức rất cao, nhiều công ty có tỷ lệ chi trả lên đến hàng trăm phần trăm. Điển hình, VinaCafé Biên Hòa (VCF) tiếp tục là đơn vị có tỷ lệ chi trả cao hàng đầu thị trường. Năm 2017, công ty từng gây bất ngờ khi chia cổ tức với tỷ lệ lên đến 660%.

Và tại đại hội ngày 9-4 vừa qua, VCF lại thông qua phương án phân phối cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 240%, ứng với số tiền khoảng 628 tỉ đồng. Việc chi trả cổ tức “khủng” của VCF đến từ lợi nhuận cao trong các năm gần đây. Kể từ năm 2011, công ty có lợi nhuận sau thuế đều trên mức 200 tỉ đồng và đạt kỷ lục 637 tỉ đồng trong năm 2018. Trong năm 2019, công ty đặt kế hoạch lãi 650 tỉ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần (CTCP) Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) dự kiến trình phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu với hình thức tăng vốn là trả cổ tức bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1,2.

Trong triển vọng khả quan chung của ngành thủy sản, ACL ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục năm 2018 khi thu về 230 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 11 lần năm 2017. Kết quả kinh doanh trong quí 1-2019 tiếp tục tăng cao với lợi nhuận sau thuế đạt 54,6 tỉ đồng, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) dự kiến phân phối 320 tỉ đồng để trả cổ tức, tương ứng với tỷ lệ 200% tại đại hội vào cuối tháng 5 tới. 

Ngoài những doanh nghiệp có tỷ lệ chi trả cổ tức “khủng” với 3 con số nêu trên, nhiều doanh nghiệp cũng công bố những khoản cổ tức bất ngờ. Điển hình như Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), tại đại hội đồng cổ đông ngày 9-4 vừa qua, đã thông qua việc tăng mức chi trả cổ tức năm 2018 từ 40% lên 53%.

Như vậy, GAS sẽ chi 10.144 tỉ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông, tức tăng 2.458 tỉ đồng so với kế hoạch ban đầu. Hiện GAS đã chi trả cổ tức tiền mặt 40% và sẽ chi trả cổ tức 13% còn lại trong thời gian tới. Năm 2019, GAS có kế hoạch chia cổ tức 30% với kịch bản lợi nhuận sau thuế giảm 35%, về mức 7.643 tỉ đồng.

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) cũng là doanh nghiệp quyết định tăng tỷ lệ chia cổ tức, từ mức 35% lên 50%. Việc tăng cổ tức do Sabeco đạt lợi nhuận sau thuế 4.403 tỉ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ nhưng lại vượt 10% kế hoạch. Năm 2019, SAB có kế hoạch lãi tăng 7%, lên mức 4.717 tỉ đồng, cổ tức dự kiến là 35%.

Một số doanh nghiệp khác cũng điều chỉnh tăng tỷ lệ cổ tức như CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) đề xuất chia thêm cổ tức 15% bằng cổ phiếu, nâng tổng tỷ lệ cổ tức lên 25%. CTCP Hàng không Vietjet (VJC) trình phương án chia cổ tức năm 2018 với tỷ lệ tới 55%, cao hơn kế hoạch 50% mà cổ đông đề ra năm ngoái.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ cũng có tỷ lệ chia cổ tức ở mức khá cao. Có thể thấy điều này qua trường hợp CTCP Quảng cáo và Hội chợ Thương Mại Vinexad (VNX) thông báo trả cổ tức năm 2018 bằng tiền với tỷ lệ 50%. VNX chỉ có vốn điều lệ 12,2 tỉ đồng, tổng số tiền công ty dự chi là hơn 6 tỉ đồng.

Hay CTCP Khoáng sản Viglacera (VIM), vốn điều lệ chỉ 12,5 tỉ đồng, chốt quyền chi trả cổ tức năm 2018 bằng tiền với tỷ lệ 52%. CTCP Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng (BED) chốt mức trả cổ tức năm 2018 bằng tiền tỷ lệ 93%. Với 3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty sẽ chi khoảng 28 tỉ đồng cổ tức cho đợt này. Năm 2018, công ty đạt 28,4 tỉ lợi nhuận sau thuế, gấp 4,5 lần năm trước và vượt 460% kế hoạch năm.

Đầu tư hưởng cổ tức là chiến lược mà nhà đầu tư tìm kiếm những doanh nghiệp trả cổ tức với lợi tức cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng. Lợi tức là tỷ suất giữa cổ tức nhận được so với giá mua thực tế tính trong một năm đầu tư. Không phải bây giờ chiến lược đầu tư này mới được nêu ra, mà trên thực tế, những nhà đầu tư lớn với nguồn tài chính dồi dào hoặc ban lãnh đạo công ty thường có xu hướng mua và nắm giữ những cổ phiếu có truyền thống trả cổ tức cao.

Chính vì thế, các cổ phiếu dạng này thường có lượng cổ đông cô đặc, thanh khoản thấp. Cá biệt, có những cổ phiếu, cổ tức còn cao hơn nhiều lần so với thị giá do nhà đầu tư không còn quan tâm đến giá cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư đã cố gắng tìm kiếm những doanh nghiệp có cổ tức cao như vậy. Tuy nhiên, những nhà đầu tư ngắn hạn sẽ khó có lời, bởi giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh vào ngày chốt quyền nhận cổ tức, chưa kể họ còn bị đánh thuế thu nhập 5%.

Do vậy, thực hiện chiến lược này một cách hiệu quả là câu chuyện không đơn giản và nó đòi hỏi nhà đầu tư phải có sự kiên trì nhất định, nhất là ở sự nhẫn nại chờ thị trường giá xuống sao cho lợi tức có thể nhận được lớn nhất có thể. Chính vì vậy, trường phái này phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn nhiều hơn.

Linh Trang