Ngày 26/8/2021,Tổng Công ty Phát điện 2 ban hành nghị quyết số 78/NQ-HĐQT của Hội đồng quản trị Tổng công ty về việc thông qua nội dung triển khai kế hoạch chuyển đổi số và nghiên cứu ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Phát điện 2.
Thông qua đó, nhiều mục tiêu và giải pháp kỹ thuật đã được Công ty triển khai với tầm nhìn xa và chiến lược mang lại hiệu quả cao trong công tác sản xuất, quản lý và nhạy bén hơn trong việc nắm bắt các cơ hội, ứng phó với thách thức trong thời gian tới.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Nhiệt điện Hải Phòng đã xác định mục tiêu trong chiến lược chuyển đổi số. Trong đó “Nâng cao hiệu suất và hiệu quả hoạt động tổng thể của nhà máy qua việc sử dụng các công nghệ số và cải thiện việc quản lý - vận hành máy móc thiết bị” là một trong những mục tiêu quan trọng, dài hạn giúp ích đáng kể cho việc quản lý, bảo trì, vận hành thiết bị tài sản của Công ty. Để thực hiện mục tiêu, giải pháp Quản lý hiệu suất tài sản (APM) được Ban Lãnh đạo Công ty lựa chọn là chìa khóa quan trọng trong việc triển khai các chiến lược tài sản dài hạn.
Quản lý hiệu suất tài sản sẽ liên quan đến việc theo dõi giám sát hiệu suất tài sản và đề xuất các chiến lược bảo trì thông minh. Thông qua phần mềm, hệ thống sẽ kết nối các nguồn dữ liệu, hoạt động lịch sử để phân tích, dự đoán và xác định thời gian sử dụng tài sản, phân loại rủi ro, cung cấp số liệu phục vụ bảo dưỡng sửa chữa và hỗ trợ việc xây dựng kế hoạch tái đầu tư tài sản.
Quản lý hiệu suất tài sản hoạt động dựa trên nền tảng bao gồm các khả năng thu thập dữ liệu, phân tích, trực quan hóa dữ liệu nhằm mục đích cải thiện độ tin cậy và tính khả dụng của tài sản, thiết bị.
Các cấp độ bảo trì và thành phần của hệ thống quản lý hiệu suất tài sản:
Bảo trì tin cậy: Xác định chiến lược cho từng tài sản dựa trên rủi ro và tình hình kinh doanh.
Bảo trì theo chỉ dẫn: Nhận dạng mẫu và chuẩn đoán để dự báo hư hỏng, nguyên nhân gây ra hư hỏng và giải pháp tốt nhất để phòng ngừa.
Bảo trì dự đoán: Dự báo hư hỏng sử dụng dữ liệu thời gian thực và các công thức. Tiến hành bảo trì trước theo kế hoạch.
Bảo trì dựa trên điều kiện: Các cảm biến giám sát thiết bị thời gian thực. Đưa ra cảnh báo trước khi hư hỏng. Thực hiện bảo trì khi cần thiết.
Bảo trì phòng ngừa: Bảo trì có kế hoạch theo định kỳ các thiết bị trước khi chúng bị hư hỏng.
Bảo trì khắc phục sự cố: Bảo trì không theo kế hoạch, chỉ tiến hành sửa chữa khi thiết bị gặp sự cố, có thể dẫn đến dừng sản xuất.
Một số lợi ích cụ thể khi áp dụng quản lý hiệu suất tài sản:
* Giảm tổn thất sản xuất, giảm thời gian ngừng hoạt động của thiết bị và giảm sản lượng bị mất thông qua phát hiện sớm lỗi thiết bị;
* Nâng cao năng suất của nhân viên, giảm bớt gánh nặng phân tích dữ liệu, giúp nhân viên xác định và ưu tiên các vấn đề quan trọng nhất;
* Giảm rủi ro, cung cấp khả năng phát hiện cảnh báo sớm trong khi các vấn đề vẫn còn nhẹ, do đó giảm nguy cơ xảy ra các sự cố trầm trọng hơn;
* Giảm chi phí bảo trì bảo dưỡng: giảm chi phí bảo trì đáng kể của việc bảo trì ngoài kế hoạch.
Hiện tại, công tác sửa chữa bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy của thiết bị (RCM) là chiến lược quản lý tài sản đang được xây dựng tại Công ty. Thành viên nhóm phân tích và thẩm tra RCM đã được thành lập nhằm mục đích triển khai đánh giá các thiết bị liên quan đến: Lò hơi, tuabin, hệ thống xử lý khử khoáng, hệ thống đánh phá đống,... Cùng với đó, Công ty đã hoàn thành các biểu mẫu bối cảnh vận hành (OC) và đang thực hiện xây dựng các biểu mẫu phân tích đánh giá, sơ đồ ra quyết định, danh mục loại hình SCBD...
Kết quả của chương trình RCM sẽ giúp cho Công ty nắm bắt về tình trạng thiết bị đang vận hành, cảnh báo sớm cho phép người vận hành giám sát thiết bị hiệu quả, đưa ra các quyết định quan trọng nhằm tránh các tổn thất sản xuất ngoài kế hoạch. Công tác áp dụng bảo trì tập trung vào độ tin cậy RCM chính là việc sử dụng chiến lược quản lý tài sản đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai trên toàn bộ các nhà máy trực thuộc.
Thanh Tùng