Thứ năm 03/10/2024 07:28
Hotline: 024.355.63.010
Thời cuộc

Nguồn lực kiều hối giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

30/09/2024 12:24
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có quyết định phê duyệt Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030.
aa

Theo quyết định này, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh được giao chủ trì triển khai đề án. Các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách phối hợp Ủy ban thực hiện đề án gắn kế hoạch công tác hằng năm đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.

Nguồn lực kiều hối giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

TP. Hồ Chí Minh hiện có 2,8 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có liên hệ với Thành phố trên tổng số 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (chiếm khoảng 50% số lượng người Việt Nam ở nước ngoài của cả nước). TP. Hồ Chí Minh là trung tâm thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước, kiều hối chuyển về Thành phố hàng năm chiếm 38 - 53% tổng mức kiều hối chuyển về Việt Nam.

Theo thống kê từ năm 2012 - 2023 của Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, nguồn kiều hối chuyển về Thành phố thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế, công ty kiều hối trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ ước đạt hơn 65 tỷ USD với mức tăng trung bình từ 3 -7%/năm. Trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất (ước khoảng 2 triệu). Tiếp theo là Anh, Úc, Canada. Lượng kiều hối qua xuất khẩu lao động, chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước.

So với các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI), nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) thì nguồn kiều hối có giá trị ổn định cao. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) tuy đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và Thành phố. Tuy nhiên, việc huy động vốn ngày càng trở nên khó khăn khi các nhà đầu tư thận trọng với quyết định giải ngân vốn FDI và sản phẩm đầu ra của dòng vốn FDI ngoài xuất khẩu thì một phần sẽ cạnh tranh với hàng hóa cùng loại sản xuất trong nước. Đối với nguồn vốn ODA thì hơn 75% đi kèm theo các điều kiện trong đầu tư, gánh nặng trả nợ trong tương lai.

Trong khi đó, nguồn kiều hối đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngoại tệ. Khi dịch bệnh Covid - 19 bùng phát vào năm 2020, kiều hối chuyển về Thành phố đạt kỷ lục 6,1 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019. Năm 2021, giữa diễn biến phức tạp của Covid - 19, kiều hối chuyển về Thành phố hơn 6,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020.

Với đặc tính là nguồn thu ngoại tệ ổn định, không hoàn lại, kiều hối tạo ra nguồn vốn ổn định cho phát triển kinh tế, hỗ trợ giảm rủi ro trong quá trình huy động vốn, giảm phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài.

Ngoài ra, nguồn ngoại tệ từ kiều hối không cần điều kiện đầu tư so với các lĩnh vực tạo ra nguồn thu ngoại tệ khác cho Thành phố. Các lĩnh vực tạo ra nguồn thu ngoại tệ như xuất khẩu hoặc du lịch phải đầu tư về cơ sở hạ tầng, chính sách.

Kiều hối đóng góp cho sự gia tăng tiết kiệm, một phần có thể dự trữ dưới dạng tiền mặt, vàng…
Kiều hối đóng góp cho sự gia tăng tiết kiệm, một phần có thể dự trữ dưới dạng tiền mặt, vàng…

Kiều hối đóng góp cho sự gia tăng tiết kiệm, được sử dụng cho các hoạt động đầu tư trực tiếp, được gửi bằng ngoại tệ hoặc bản tệ vào các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác và một phần có thể dự trữ dưới dạng tiền mặt, vàng… Ngoài đầu tư trực tiếp, kiều hối được gửi vào các tổ chức tài chính sau đó được cho vay tài trợ vào các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế, đóng góp tích cực đến sự phát triển của thị trường tài chính Thành phố do làm tăng nguồn cung ứng vốn cho các tổ chức tài chính…

Dù kiều hối được sử dụng để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh hay tiết kiệm tiêu dùng cá nhân thì đều là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc khai thác hiệu quả nguồn lực kiều hối giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và cả nước.

Đề án để phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030 nêu rõ về các chính sách để thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối, như định hướng nguồn kiều hối tham gia vào thị trường tài chính (thị trường chứng khoán, cổ phiếu...) hình thành kênh dẫn vốn từ người nhận kiều hối với mục đích tiết kiệm đến người kinh doanh. Hỗ trợ chuyển vốn từ người không có cơ hội đầu tư sinh lợi đến những người có cơ hội đầu tư sinh lợi.

Định hướng huy động nguồn kiều hối vào kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, bán các tài sản công… đồng thời, hỗ trợ kết nối các tổ chức tài chính, công ty kiều hối nhằm đa dạng hình thức chuyển tiền tại các thị trường tiềm năng lớn, các nước có đông người Việt Nam lao động, sinh sống, kết hợp mở rộng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài chuyển kiều hối về Việt Nam.

xem xét cho phép người nước ngoài có gốc Việt Nam không cư trú ở Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng được mở tài khoản, được lựa chọn giữ tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc bằng Việt Nam đồng
Đề xuất xem xét cho phép người nước ngoài có gốc Việt Nam được lựa chọn giữ tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc bằng Việt Nam đồng.

TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cho phép người nước ngoài có gốc Việt Nam không cư trú ở Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng được mở tài khoản, được lựa chọn giữ tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc bằng Việt Nam đồng được chuyển gốc và lãi bằng ngoại tệ đã chọn.

Các tổ chức tài chính, công ty kiều hối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng 3 sản phẩm “tài khoản song song”, một trong các tài khoản được dùng để gửi tiền về cho gia đình tại thành phố và người thân của họ tại thành phố được toàn quyền sử dụng tài khoản đó. Tài khoản thứ hai chỉ người Việt Nam ở nước ngoài mới có thể truy cập và có thể được sử dụng để tích lũy tiền cho đầu tư sau này.

TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra giải pháp hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối như: quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất vừa và nhỏ, quỹ đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài... để hỗ trợ các nhà đầu tư người Việt từ nước ngoài quay về lập nghiệp, kinh doanh trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối.

Đề xuất phát hành trái phiếu với thời hạn 5 năm hoặc 10 năm nhằm thu hút nguồn kiều hối tham gia đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế.

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, sẽ đề xuất chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng phát triển Thành phố phù hợp với tình hình, điều kiện khách quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Qua đó, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ, duy trì ổn định nguồn kiều hối để tham gia đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đề xuất thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài an toàn và hiệu quả nhằm thu hút thêm nguồn kiều hối mới; chủ trương mở tài khoản cho người nước ngoài có gốc Việt Nam không cư trú ở Việt Nam nói chung mở tài khoản và lựa chọn giữ tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc bằng Việt Nam đồng được chuyển gốc và lãi bằng ngoại tệ đã chọn.

Trong quá trình triển khai thực hiện, TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị thực hiện không can thiệp bằng biện pháp hành chính vào việc chuyển và nhận tiền kiều hối, không đặt chỉ tiêu tăng trưởng kiều hối nhằm tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hơn để làm phong phú, đa dạng nguồn kiều hối về thành phố được thông suốt và phát huy hiệu quả tối đa nguồn kiều hối…

Tin bài khác
Bình Dương: Tạo dựng vị thế quốc tế cho ngành da giày

Bình Dương: Tạo dựng vị thế quốc tế cho ngành da giày

Ngành da giày là một trong ba lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Bình Dương năm 2024. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành da giày vẫn chưa tương xứng.
Nghệ An: Tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ đấu thầu cho doanh nghiệp

Nghệ An: Tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ đấu thầu cho doanh nghiệp

Tham gia lớp tập huấn có gần 150 học viên đại diện cho các doanh nghiệp thường xuyên tham gia dự thầu, đấu thầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An…
Nguyên nhân chỉ số PMI tháng 9 của Việt Nam xuống dưới ngưỡng 50

Nguyên nhân chỉ số PMI tháng 9 của Việt Nam xuống dưới ngưỡng 50

Chỉ số PMI tháng 9 của Việt Nam đánh dấu sự suy giảm đáng kể nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, sau một giai đoạn tăng trưởng liên tục kéo dài suốt năm tháng.
Cho phép PVN khảo sát, thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi

Cho phép PVN khảo sát, thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu thủ tục cho phép PVN thí điểm điện giói ngoài khơi.
IMF: Nhiều thách thức với tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024

IMF: Nhiều thách thức với tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024

IMF khẳng định rằng, Việt Nam đã đạt được những bước tiến tích cực trong quá trình phục hồi và tăn trường kinh tế, nhưng vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt.