Tổ chức xếp hàng tín nhiệm Moody's dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam, không bao gồm vàng, sẽ phục hồi vào cuối năm nay, đạt mức 95 tỷ USD, khi Ngân hàng Nhà nước xây dựng lại kho dự trữ của mình.
Ông Nishad Majumdar, một nhà phân tích tại Singapore nhận định: “Sự tăng giá gần đây của tiền đồng (VND), phản ánh vị thế bên ngoài được cải thiện, sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng lại bộ đệm ngoại hối đã được chi tiêu trong thời kỳ tăng giá của đồng USD vào năm ngoái.”
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong tháng 1 năm nay đạt 88,3 tỷ USD.
Ông Majumdar đánh giá sự phục hồi của ngành du lịch và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định sẽ giúp tăng dự trữ quốc gia ngay cả khi xuất khẩu suy yếu. Tiền đồng đã tăng 6% trong 6 tháng qua, hòa theo xu hướng tăng của các đồng tiền châu Á, khi sức mạnh của đồng USD suy yếu. Đồng VND mạnh hơn sẽ làm giảm giá trị nội tệ của khoản nợ nước ngoài của chính phủ.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin, NHNN theo dõi sát tình hình, chủ động điều hành trên cơ sở kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ với điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm. Kết quả cho thấy về cơ bản, tỷ giá được ổn định, NHNN mua khoảng 6 tỷ USD từ đầu năm tới nay.
Về tín dụng, tính đến ngày 25/4, tín dụng tăng 2,75% so với cuối năm 2022. Tín dụng tăng chậm trong bối cảnh đầu năm không chịu hạn chế bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng và trong điều kiện thanh khoản hệ thống các TCTD được cải thiện. Điều đó cho thấy sức hấp thụ vốn thấp, nguyên nhân có thể kể đến là: Các doanh nghiệp không có đầu ra, đơn hàng giảm nên nhu cầu và vốn giảm, có những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng do suy yếu trong thời gian chịu tác động bởi COVID-19 nên không đủ điều hiện vay vốn; Tín dụng bất động sản gặp khó khăn chủ yếu do yếu tố pháp lý nên tăng không cao như thời gian trước đây (tín dụng bất động sản tăng 3,51%).
P.V (t/h)