Người tiêu dùng cần thận trọng với thuốc nhập lậu từ Trung Quốc được quảng cáo chữa bệnh COVID-19

15:20 11/08/2021

Lô thuốc tên là Liên hoa thanh ôn, bao bì toàn chữ Trung Quốc với hơn 67.200 viên thuốc tân dược có dấu hiệu nhập lậu, được quảng cáo có thể chữa trị các bệnh như ho, sốt, đau họng…

Ngày 11/8, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh thông tin cho biết, cơ quan này phối hợp Đội 6 Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đội 3 Cục Quản lý thị trường Thành phố kiểm tra căn nhà nằm trong hẻm đường An Dương Vương, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh), phát hiện số lượng lớn thuốc tân dược nhập lậu.

Loại thuốc tân dược có tên Liên hoa Thanh ôn

Loại thuốc tân dược có tên Liên hoa Thanh ôn. (Ảnh: vietyduong.net)

Qua kiểm đếm ban đầu, lô thuốc có hơn 67.200 viên thuốc tân dược, toàn bộ lô thuốc này có tên là Liên hoa thanh ôn, bao bì toàn chữ Trung Quốc.

Lực lượng chức năng thông tin, chủ lô hàng khai mua từ một người phụ nữ ở Móng Cái, Quảng Ninh với giá 78.000/hộp, sau đó đem về bán tại khu vực sinh sống, rao bán trên mạng kiếm lời.

Đáng chú ý, qua tìm hiểu của phóng viên, loại thuốc "Liên hoa Thanh ôn" này được quảng cáo trên mạng internet là để điều trị Hội chứng SARS, chiết xuất từ 13 loại thảo dược. Loại thuốc này cùng 2 công thức thuốc cổ truyền khác đã trở thành một phần liệu pháp điều trị bệnh nhân COVID-19.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ mua bán lô thuốc trên nên lực lượng quản lý thị trường đã tạm giữ lô thuốc để tiếp tục điều tra.

Các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo, lợi dụng tình hình dịch bệnh, thời gian qua xuất hiện nhiều đối tượng rao bán các loại thuốc được quảng cáo chữa trị được bệnh COVID-19. Tuy nhiên, những loại thuốc này phần lớn mua bán trôi nổi, nhập lậu, chưa được ngành y tế kiểm định và xác nhận về chất lượng, công dụng chữa bệnh COVID-19. Do đó, người tiêu dùng cần thận trọng, cảnh giác trước những thông tin dạng như thế này, tránh bị lừa đảo tiền mất tật mang!

Trong một diễn biến khác liên quan, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng đã phát đi cảnh báo về tình trạng trên mạng xã hội xuất hiện các hướng dẫn không rõ nguồn gốc về cách tự chữa bệnh COVID-19 tại nhà.

Hướng dẫn trên mạng xã hội được các chuyên gia chống độc khuyến cáo người dùng không nên tự áp dụng

Hướng dẫn trên mạng xã hội được các chuyên gia chống độc khuyến cáo người dùng không nên tự áp dụng.

Đáng chú ý, trong một hướng dẫn, liều paracetamol khuyên sử dụng là liều tối đa, rất dễ có nguy cơ quá liều và gây ngộ độc.

Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 đang gia tăng số lượng người bệnh cùng với các biểu hiện đau hoặc sốt cao do các nguyên nhân khác tại gia đình cần được chữa ban đầu, nhu cầu sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt tăng lên.

Các loại thuốc hạ sốt, giảm đau (nhất là thuốc nhập ngoại như Tylenol), đang được nhiều người tìm mua mặc dù giá tăng gấp mấy lần do nhu cầu tăng đột biến. Trong đó, phần lớn mua với mục đích tích trữ, sử dụng để tự chữa các biểu hiện của bệnh COVID-19 theo hướng dẫn trên mạng xã hội.

Người tiêu dùng cần lưu ý rằng, theo cảnh báo của các bác sĩ chống độc, ngộ độc paracetamol là loại ngộ độc thường gặp nhưng âm thầm, dễ bỏ sót. Người sử dụng có thể bị ngộ độc do lạm dụng thuốc, dùng sai dẫn tới quá liều mà không biết khi giảm đau, hạ sốt tại nhà.

Do các biểu hiện ngộ độc paracetamol rất kín đáo, thậm chí vài ngày đầu nếu không xét nghiệm theo dõi thì không thể biết, khi được phát hiện đã muộn, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong.

Paracetamol là thuốc thuộc diện không phải kê theo đơn, có nghĩa là người dân có thể tự mua ở các hiệu thuốc về để chữa các biểu hiện đau, sốt do các nguyên nhân thông thường hoặc xử trí ban đầu trước khi tới bệnh viện.

Theo khuyến cáo của Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, liều paracetamol tối đa với người Việt Nam có thể trạng trung bình và không có các yếu tố nguy cơ nêu trên là không quá 3 gam/24 giờ với người trưởng thành và trẻ em là 15mg/kg cân nặng cho mỗi lần và không quá 6 lần/24 giờ.

Tuy nhiên, nếu sử dụng liều này cho người có nhiều yếu tố và hoàn cảnh nguy cơ nêu trên thì lại gây ngộ độc.

Trên thực tế các bác sĩ khi kê thuốc cho người bệnh trưởng thành chỉ kê 1-1,5 gam paracetamol cho mỗi 24 giờ (tương đương 2-3 viên loại hàm lượng 500mg). Tốt nhất là dùng liều thấp nhất có thể.

Để sử dụng paracetamol an toàn, với người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên dùng 2 đến 3 viên paracetamol loại 500mg. Người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng và dùng đúng hướng dẫn.

"Luôn kết hợp các biện pháp khác an toàn hơn để hạ sốt, giảm đau như nới rộng quần áo, chườm, tắm nước ấm, uống đủ nước... Khi bệnh không đỡ hoặc có biểu hiện bất thường thì cần tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra" - các chuyên gia chống độc khuyến cáo.

H. An