Bài liên quan |
Bất động sản “bất động”, ngành vật liệu xây dựng gặp khó |
Cần "bộ lọc chất lượng" mạnh hơn để bảo vệ ngành vật liệu xây dựng |
Trước áp lực từ các chính sách thương mại và kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường lớn như Mỹ và EU, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong nước đang có những bước chuyển mình rõ rệt. Theo Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), thay vì bị động đối phó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang thế chủ động thông qua việc đầu tư bài bản, chuẩn hóa quy trình sản xuất và tăng cường khả năng thích ứng linh hoạt.
Các chuyên gia cho rằng để vượt qua rào cản kỹ thuật và thuế quan, việc nâng cao chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết. Phát triển các dòng vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trong dài hạn.
![]() |
Ngành vật liệu xây dựng: Tăng tốc thích ứng với biến động thương mại toàn cầu |
Ông Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, chỉ ra rằng phần lớn sản phẩm hiện nay chỉ mới đạt mức tiêu chuẩn tối thiểu, còn thiếu những sản phẩm chất lượng cao có thể cạnh tranh vượt trội. Theo ông, việc nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ kéo theo giá trị gia tăng và củng cố lợi thế cạnh tranh.
Để đạt được mục tiêu này, ông Sâm nhấn mạnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba yếu tố then chốt: Chính sách quản lý mang tính định hướng; sự chủ động của doanh nghiệp trong đổi mới và đầu tư công nghệ; cùng với việc ứng dụng công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn của ngành.
Song song đó, các doanh nghiệp được khuyến nghị khai thác tốt thị trường nội địa – nơi vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Việc chủ động đề xuất chính sách hỗ trợ tiêu thụ nội địa cũng sẽ góp phần ổn định đầu ra và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu. Đồng thời, tận dụng các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp mở rộng thị trường sang các khu vực ít bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bảo hộ.
Về phía cơ quan quản lý, ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đang tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi xanh, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Ưu tiên sẽ được dành cho phát triển các loại vật liệu mới, vật liệu xanh và các công nghệ sản xuất tiên tiến, thông minh.
Theo ông Nguyễn Quang Hiệp, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành để khuyến khích phát triển vật liệu sinh thái, vật liệu xây dựng thân thiện môi trường. Ý thức sử dụng vật liệu xanh đang lan tỏa không chỉ trong doanh nghiệp mà cả trong cộng đồng người tiêu dùng.
Riêng trong ngành thép – lĩnh vực đang chịu nhiều tác động nhất từ các chính sách phòng vệ thương mại quốc tế – tình hình xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các biện pháp như Đạo luật 232 của Mỹ, các rào cản kỹ thuật từ EU và Ấn Độ đã khiến sản phẩm thép như tôn mạ và thép cán nóng sụt giảm mạnh. Tôn mạ ghi nhận mức giảm tới 41,5%, trong khi thép cán nóng chỉ còn 198.000 tấn, giảm đến 74% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào cũng có nhiều biến động. Giá quặng sắt và than luyện coke trong quý I/2025 giảm lần lượt 6,5% và 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá thép được dự báo sẽ giữ ổn định từ nay đến cuối năm, do cung vượt cầu từ Trung Quốc và nhu cầu tăng từ đầu tư công trong nước. Ngoài ra, các hàng rào bảo hộ trong nước cũng giúp giữ giá ở mức có lợi cho doanh nghiệp nội địa.
Tuy nhiên, các yếu tố như thuế quan từ Mỹ có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, khiến giá thép có nguy cơ giảm. Do vậy, xu hướng thị trường vẫn đan xen giữa cơ hội và thách thức.
Dù xuất khẩu gặp khó, thị trường nội địa tiếp tục được kỳ vọng là bệ đỡ quan trọng cho ngành thép. Tuy nhiên, chính thị trường này cũng đang đứng trước nhiều biến số, trong đó có các sắc lệnh về thuế của Mỹ, điều đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục theo dõi, thích ứng và đổi mới để giữ vững tăng trưởng.