Người dùng iPhone tại Việt Nam sẽ tốn thêm chi phí thay thay pin

10:32 14/03/2023

Nếu đang sử dụng các thiết bị di động của Apple và đã hết hạn bảo hành, người dùng sẽ phải tốn thêm một khoản chi phí trong trường hợp cần thay pin cho thiết bị của mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thông tin về việc Apple tăng chi phí thay pin cho các sản phẩm di động của hãng đã xuất hiện từ lâu dưới dạng các tin đồn. Giờ đây, tin đồn đã chính thức trở thành sự thật khi Apple vừa áp dụng mức chi phí mới để thay pin cho các mẫu sản phẩm. 

Các trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple (AASP) đã thông báo về mức giá mới khi thay pin cho các thiết bị Apple hết hạn bảo hành tại Việt Nam. Hiện giá pin của iPhone từ iPhone X đến iPhone 13 series đã tăng 10% so với trước đó. Đối với các dòng iPhone cũ từ iPhone 6S đến iPhone 8 Plus, giá thay pin đã tăng tới 30%.

Tương tự, chi phí thay pin của MacBook, Apple Watch và iPad cũng tăng từ 15% đến 30% tuỳ theo dòng sản phẩm. Tuy nhiên, giá thay pin của dòng iPhone 14 series vẫn giữ nguyên mức giá thay thế cũ.

Trước đó, vào tháng 1, nhiều nguồn tin cho biết Apple sẽ tăng chi phí thay pin đối với các thiết bị hết hạn bảo hành từ 1/3. Phí dịch vụ pin ngoài bảo hành hiện tại sẽ áp dụng cho đến cuối tháng 2.

Apple cho biết: “Kể từ ngày 1/3, phí dịch vụ pin ngoài bảo hành sẽ tăng thêm 20 USD cho tất cả các mẫu iPhone trước iPhone 14”.

Apple thường tính phí 69 USD để thay pin trên các mẫu iPhone đã hết hạn bảo hành. Tuy nhiên, người dùng sẽ phải chi ra 89 USD để thay mới pin trên iPhone, tương đương mức tăng 20 USD. Mức phí mới này được áp dụng cho tất cả các phiên bản từ iPhone X đến iPhone 13.

Đối với dòng iPhone 14, chi phí để thay pin cho các sản phẩm không có hoặc hết hạn bảo hành là 99 USD. Với các mẫu iPhone đời cũ hơn như iPhone SE hay iPhone 5S, mức chi phí để thay pin sẽ tăng từ 49 USD lên 69 USD. Bộ đôi iPhone 5 và 5C vẫn giữ nguyên phí thay pin 49 USD như cũ.

Bên cạnh iPhone, chi phí để thay pin iPad hết hạn bảo hành cũng tăng thêm 20 USD, từ 99 USD lên 119 USD. Mức chi phí thay pin mới này áp dụng cho toàn bộ các dòng sản phẩm iPad Air, iPad mini và một vài mẫu iPad Pro. Đối với iPad Pro sử dụng chip M2 ra mắt vào tháng 10 năm ngoái, mức phí thay pin sẽ lần lượt là 149 USD và 179 USD tương ứng với các biến thể màn hình 11-inch và 12,9-inch.

Không chỉ iPhone và iPad, Apple cũng tăng phí thay pin trên các mẫu laptop MacBook của hãng.

Apple sẽ tăng chi phí thay thế pin MacBook. Giá MacBook Air tăng 30 USD, trong khi giá MacBook Pro và MacBook tăng 50 USD. Phí cụ thể là, MacBook Air từ 129 USD lên 159 USD, MacBook Pro từ 199 USD lên 249 USD và MacBook (2016, 2017) từ 199 USD lên 249 USD.

Trong khi đó, thay pin cho một chiếc iPad thường vẫn ở mức giá hiện tại, từ 99 USD đến 199 USD tùy thuộc vào kiểu máy. iPad Pro 12,9 inch thế hệ thứ sáu hiện vẫn duy trì mức giá 179 USD. Tương tự, giá thay pin cho iPad Pro 11 inch thế hệ thứ tư hiện tại là 149 USD. Tuy nhiên, Apple sẽ tăng thêm 20 USD cho tất cả các kiểu máy khác, từ 99 USD lên 119 USD, áp dụng cho các mẫu iPad Pro 12,9 inch (thế hệ thứ 5 trở về trước), iPad Pro 11 inch (thế hệ thứ 3 trở về trước), iPad Pro 10,5 inch, iPad Pro 9,7 inch, iPad mini (thế hệ thứ 6 trở về trước) và iPad Air (thế hệ thứ 5 trở về trước).

Pin mới sau khi thay thế sẽ được Apple bảo hành trong vòng 90 ngày hoặc cho đến khi hết thời hạn bảo hành của sản phẩm (với những sản phẩm thay pin khi vẫn còn hạn bảo hành).

Điều chỉnh về chi phí thay pin trên các sản phẩm của Apple được áp dụng cho toàn bộ các thị trường của hãng. Tuy nhiên, mức giá chi tiết thay pin cho mỗi sản phẩm sẽ có sự khác biệt tùy theo từng quốc gia. Người dùng có AppleCare và AppleCare+ sẽ được hãng thay pin miễn phí khi dung lượng tối đa dưới 80%.

Với các quốc gia không có Apple Store, chẳng hạn như Việt Nam, mức phí thay pin sản phẩm sẽ do các cửa hàng ủy quyền của Apple tự thiết lập, tuy nhiên, mức phí này cũng sẽ tăng lên theo mức giá chung của Apple.

Ngoài ra, người dùng cũng có thể tiết kiệm chi phí bằng cách thay pin tại các cửa hàng điện tử, thay vì mang đến cửa hàng chính hãng hoặc ủy quyền của Apple. Tuy nhiên, giải pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có thể bị thay pin giả hoặc không đảm bảo chất lượng, dẫn đến nguy cơ cháy, nổ trong khi sử dụng thiết bị.

Phương Anh (t/h)