Theo đó, các địa phương của Nghệ An có tỷ lệ giải ngân dưới 10% gồm các huyện, thị: Hoàng Mai (8,77%), Quỳ Hợp (4,13%), Hưng Nguyên (2,31%), TP. Vinh (1,14%)... Đáng chú ý, huyện Quỳ Châu và Quế Phong có tỷ lệ giải ngân đầu tư công 0%... Bên cạnh đó, một số ngành làm chủ đầu tư như: Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh đoàn Nghệ An, Sở Y tế, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp chưa giải ngân được đồng nào.
Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tại kỳ họp thường kỳ tháng 5/2021 của tỉnh này cho rằng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho đến thời điểm này là chậm và đề nghị các sở, ngành giải trình nguyên nhân.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, liên quan đến đầu tư công, các chủ đầu tư đã thi công, bàn giao đưa vào sử dụng Dự án Nâng cấp, mở rộng QL15A (đoạn Km320+700 - Km324+500). Ngoài ra, các chủ đầu tư đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án: Nâng cấp, mở rộng QL15A; Đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền (giai đoạn 1); Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1); Dự án LRAMP - Hợp phần đường; Dự án đường ven biển từ Nghi Sơn - Thanh Hóa đến Cửa Lò - Nghệ An (đoạn từ điểm giao QL46 đến TL535 (Km76 - Km83+500)).
Hiện, Nghệ An đã hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 thông qua HĐND tỉnh tại Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 13/5/2021 để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo Công văn số 419/TTg-KTTH ngày 02/04/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Nghệ An đang kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cam kết giải ngân và bàn giao mặt bằng theo tiến độ chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải đối với Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn qua tỉnh Nghệ An). Bên cạnh đó, Nghệ An đang phối hợp với các chủ đầu tư và bộ, ngành Trung ương để triển khai các dự án: Cảng Cửa Lò, Cảng Hàng không Vinh, Cải tạo, nâng cấp công trình thiết yếu tuyến đường sắt Vinh - Hà Nội, Công trình đường sắt tốc độ cao (đoạn qua tỉnh Nghệ An)…
Nghệ An thi công dự án đường ven biển.
Được biết, việc giải ngân đầu tư công chậm chủ yếu do một số nguyên nhân như: Đang triển khai thủ tục đấu thầu gói thầu mới, vướng giải phóng mặt bằng, quá thời gian thực hiện phải gia hạn tiến độ, điều chỉnh dự án, đang làm thủ tục quyết toán…
Qua Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho thấy, có 5 huyện đạt tỷ lệ giải ngân trên 35% gồm: Thanh Chương (58,77%), Tương Dương (57,06%), Diễn Châu (46,39%), Yên Thành (40,4%) và Kỳ Sơn (38,86%). Tính đến ngày 31/5, nguồn vốn đầu tư công tập trung do tỉnh Nghệ An quản lý giải ngân được 377,766 tỷ đồng, đạt 13,01% kế hoạch.
Văn Cương