Theo đó, Kế hoạch trên được UBND tỉnh Nghệ An ban hành nhằm hướng đến mục tiêu: Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc địa giới hành chính; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An khai trương Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh vào ngày 14/10/2020.
Nhằm đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, các địa phương thực hiện việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã (Bộ phận Một cửa) tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác. Phấn đấu đến năm 2022 sẽ hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 50% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, 40% đối với UBND cấp huyện, 30% UBND cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Tổ chức triển khai: Quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; 50% Bộ phận Một cửa cấp huyện và 30% Bộ phận Một cửa cấp xã. Tối thiểu 30% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thủ tục hành chính trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đó được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu.
Chuyển đổi số - Cuộc cách mạng toàn dân.
Đến giai đoạn từ năm 2023 -2025, tăng tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được giải quyết thành công trong mỗi năm tăng thêm 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã theo tỷ lệ tăng mỗi năm tối thiểu 30% cho đến khi đạt 100%, trừ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thủ tục hành chính trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đó được các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ. Tăng tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận. Tối thiểu từ 80% trở lên hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử. 100% hồ sơ thủ tục hành chính đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa một số công việc trong quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhằm tăng năng suất lao động trung bình trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống trung bình còn tối đa 15 phút/01 lượt giao dịch. Thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/01 hồ sơ vào năm 2025. Điện tử hóa việc giám sát, đánh giá kết quả tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính làm cơ sở đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức công khai, minh bạch, hiệu quả.
Hiện thực hoá khát vọng chuyển đổi số.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hoá trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Nâng cao tính chủ động trong đổi mới, hiệu quả, năng suất lao động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các cấp. Đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các cấp trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông bảo đảm đủ năng lực, trình độ, kỹ thuật thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này và theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo đối với các nội dung khó khăn, vướng mắc. Các sở, ngành, địa phương chủ động tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu được giao tại Kế hoạch này. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2021-2025, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng tiến độ.
Văn Cương