Trường THPT Kỳ Sơn dưới ánh nắng ban mai. |
Trường THPT Kỳ Sơn là một trong hai trường THPT của tỉnh Nghệ An thực hiện mô hình thí điểm “Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT)” với 850 học sinh ăn, ở bán trú. Trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn, thuộc miền Tây Nghệ An. Kỳ Sơn là một trong những huyện đặc biệt khó khăn nhất của cả nước, nằm cách xa trung tâm của tỉnh khoảng 250km, tiếp giáp với 4 huyện thuộc 3 tỉnh của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, có chung đường biên giới trên 203km, địa hình chủ yếu đồi núi cao, chỉ có trên 1% diện tích đất bằng. Trường THPT Kỳ Sơn là trường THPT duy nhất của huyện Kỳ Sơn có 88 CBGV-NV, với 41 lớp có 1.835 học sinh, hơn 94,5% học sinh thuộc con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó có 803 em thuộc hộ nghèo; 1.585 em được hưởng chế độ theo NĐ 116/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn.
Giáo viên Trường THPT Kỳ Sơn ân cần hướng dẫn các em học sinh trong một tiết học |
Mặc dù Trường THPT Kỳ Sơn thực hiện thí điểm mô hình trường THPT DTBT nhưng bản chất hoạt động hoàn toàn giống với trường THPT DTNT tỉnh. Việc tổ chức ăn, ở bán trú cho 850 em học sinh trong những năm qua được Trường THPT Kỳ Sơn triển khai theo mô hình quản lý của các trường THPT DTNT tỉnh, đã tạo được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, phụ huynh yên tâm gửi con em vào trường để đi làm ăn xa; các em được chăm sóc, quản lý, ăn ở khoa học nhằm giúp các em phát triển tốt các kỹ năng, năng lực và phẩm chất, đạo đức, được phụ huynh đồng tình ủng hộ và nhất trí cao.
Các Khu nhà nội trú dành cho học sinh tại Trường THPT Kỳ Sơn |
Tuy Trường THPT Kỳ Sơn tình nguyện thực hiện các nhiệm vụ quản lý học sinh, quản sinh, hướng dẫn các em học ban đêm, chăm sóc các em khi ốm đau nhưng CBGV-NV nhà trường không được hưởng bất kỳ chế độ nào về bán trú. Nhà trường và học sinh không được hỗ trợ tiền điện, tiền nước, tiền quản sinh nên rất khó khăn cho nhà trường trong việc tổ chức thí điểm mô hình trường THPT DTBT. Thêm vào đó, trong 2 năm học triển khai Đề án “Phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, Trường THPT Kỳ Sơn thực hiện chương trình GD trong điều kiện khó khăn nhất cả tỉnh, cụ thể: Thiếu biên chế, địa bàn tuyển sinh rộng, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn…
Hoạt động văn nghệ của các em học sinh Trường THPT Kỳ Sơn |
Được biết, vào ngày 16/3/2023, tại huyện Kỳ Sơn, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị sơ kết tổ chức hoạt động trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2022. Bên cạnh chia sẻ những kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn trong quá trình triển khai mô hình trường PTDTBT. Đó là vẫn còn những bất cập trong chính sách giữa mô hình trường PTDTBT và trường PTDTNT, mặc dù có những hoạt động tương đồng về công tác dạy học. Đồng thời, các đại biểu cũng cho ý kiến về việc triển khai thí điểm mô hình trường PTDTBT kiểu mới đối với cấp TH và THCS, thí điểm mô hình trường PTDTBT đối với cấp THPT ở 2 huyện Kỳ Sơn, Quế Phong... Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đánh giá: Có thể khẳng định, qua 12 năm triển khai mô hình trường PTDTBT đã cho thấy mô hình này hoạt động hiệu quả, phù hợp với sự phát triển giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Các em học sinh Trường THPT Kỳ Sơn trong giờ ăn trưa tại trường |
Để đạt được hiệu quả đó, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đặc biệt ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng và sự hi sinh thầm lặng của đội ngũ thầy cô giáo tại các trường.
Sau khi chia sẻ những vất vả mà đội ngũ thầy cô, nhà trường cũng như các địa phương gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long nhấn mạnh: Dù khó khăn như thế nào cũng phải duy trì và phát triển mô hình trường PTDTBT. Vì vậy, đề nghị ngành GD&ĐT rà soát lại các văn bản quy định của Trung ương để áp dụng đúng, đủ, kịp thời các chính sách; cùng với đó, xây dựng một số chính sách của địa phương. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn để giảm các điểm trường lẻ, xây dựng các trường bán trú nhiều hơn; nghiên cứu cơ chế luân chuyển, tăng cường giáo viên có trình độ tin học, ngoại ngữ... cho các trường PTDTBT.
Trường THPT Kỳ Sơn phối hợp với cơ quan Công an tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật an toàn giao thông cho các em học sinh của trường |
Đối với các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đề nghị, cần tiếp tục tích cực hơn nữa để giảm các điểm trường lẻ; tập trung nâng cao chất lượng dạy và học cũng như đầu tư cơ sở vật chất tại các điểm trường chính; thực hiện lồng ghép có hiệu quả 03 Chương trình MTQG, dành nguồn lực xây dựng trường PTDTBT trên địa bàn. Các sở, ngành phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo để tham mưu, sớm trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung, mức chi hỗ trợ trường PTDTBT và mô hình trường PTDTBT kiểu mới... Sở Nội vụ căn cứ các văn bản quy định của pháp luật, tính toán đủ định mức giáo viên (trong đó chú ý đến định mức giáo viên dành cho trường chuyên biệt), tổng hợp, tham mưu kế hoạch phân bổ chỉ tiêu biên chế, vị trí việc làm phù hợp, sát thực tiễn...
Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì Hội nghị sơ kết tổ chức hoạt động trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2022 |
Từ thực tiễn cho thấy, để mô hình “Trường PTDTBT” tiếp tục phát huy hiệu quả cao hơn, bền vững hơn cũng như động viên được CBGV-NV và giảm bớt khó khăn cho nhà trường trong việc chi trả tiền điện nước, tiền quản sinh thì cấp có thẩm quyền cần sớm xem xét và có quyết định cho Trường THPT Kỳ Sơn được chuyển thành trường THPT DTBT và được hưởng các chế độ của trường bán trú, hoặc có chính sách hỗ trợ tiền điện, tiền nước, tiền quản sinh… cho nhà trường.