Theo đó, phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn vào sáng nay (26/5), Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung mong muốn địa phương này biến những bất lợi thành lợi thế phát triển…Kỳ Sơn không chỉ là huyện khó khăn nhất của tỉnh, mà còn là một trong những địa phương khó khăn nhất của cả nước với vị trí của huyện miền núi cao, có đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, diện tích đất ở và đất sản xuất rất hạn chế... Tuy vậy, trong điều kiện khó khăn như thế, nhưng lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị nhất là trong thời gian vừa qua trong bối cảnh dịch Covid -19 hết sức phức tạp. Điều đó là rất đáng được ghi nhận và biểu dương.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt “3 giữ, 3 yên” và thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững dựa trên yếu tố sinh thái bền vững và sinh kế bền vững thì Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt khó, quyết tâm để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra. Nhất là 3 đột phá phát triển, 4 vùng kinh tế trọng điểm và 01 tuyến du lịch. Bên cạnh đó, để tập trung thực hiện, Kỳ Sơn cần rà soát lại các mục tiêu để có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn. Đáng lưu ý, để phát triển kinh tế, Kỳ Sơn cần tập trung cho lĩnh vực nông - lâm nghiệp và phát triển du lịch. Đối với nông - lâm nghiệp, từ các mô hình của doanh nghiệp và Đoàn kinh tế - quốc phòng 4 có thể nhân rộng và làm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của bà con trên địa bàn, từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, cần phải quan tâm đến hoạt động bao tiêu sản phẩm. Đối với phát triển kinh tế rừng, cần phải thực hiện phát triển dược liệu dưới tán rừng, phía các tập đoàn, công ty cần tạo điều kiện từng bước đưa người dân vào tham gia cùng để tạo sinh kế bền vững. Để phát triển kinh tế du lịch, huyện cần tận dụng và phát huy những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm. Đồng thời, phải kết nối được các tuyến du lịch trong vùng, trong tỉnh. Hơn nữa, Kỳ Sơn cần tập trung phát triển công nghiệp một cách hợp lý. Huyện cũng cần phải quản lý và sử dụng nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm. Đầu tư xây dựng các dự án động lực có sức lan tỏa và tạo ra giá trị thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ đời sống người dân như đường giao thông, điện, nước sạch. Tập trung sử dụng và lồng ghép, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn.
Song song với đó, huyện cần quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm y tế cấp xã. Tập trung công tác giảm nghèo, thoát nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Thực hiện tốt công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy. Nâng cao đạo đức công vụ và tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức để hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả. Là địa bàn trọng điểm về quốc phòng an ninh, huyện cần tăng cường giữ vững mục tiêu đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh biên giới. Tăng cường phối hợp và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, hợp tác, hữu nghị truyền thống với các huyện biên giới của nước bạn Lào. Kỳ Sơn là địa bàn bị tác động rất nhiều bởi thiên tai như lũ ống, lũ quét. Vì vậy, các khu vực có nguy cơ sạt lở cần phải cảnh báo và có phương án di dân để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. UBND tỉnh và các sở, ngành sẽ chung tay cùng với Kỳ Sơn để tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn để đưa kinh tế - xã hội của huyện phát triển.
Văn Cương – Hoàng Lan