Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe, thảo luận và thông qua Dự thảo Đề án Bảo vệ và Phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026-2030 tại Phiên họp thường kỳ tháng 11/2024…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe, thảo luận và thông qua Dự thảo Đề án Bảo vệ và Phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026-2030 tại Phiên họp thường kỳ tháng 11/2024. |
Mục tiêu chung của Đề án…
Quá trình xây dựng dự thảo Đề án đã bám sát quan điểm, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động bảo vệ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Nghị định số 39 của Chính phủ quy định biện pháp quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mục tiêu chung của Đề án là bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống đương đại; đảm bảo sức sống của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; phổ biến những giá trị nhân văn cho thế hệ mai sau. Đồng thời, nâng cao nhận thức và lòng tự hào của cộng đồng người dân xứ Nghệ; ý thức, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, thực hành và trao truyền Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An trình bày Dự thảo Đề án Bảo vệ và Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026-2030 tại Phiên họp thường kỳ tháng 11/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An. |
Từng bước phát huy giá trị của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng để trao đổi văn hóa, văn nghệ, nhằm tăng cường khả năng giao lưu giữa các cộng đồng, phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở tỉnh Nghệ An. Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu khu vực đồng bằng có 100%, khu vực miền núi có 50% đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn có thành lập câu lạc bộ thực hành Dân ca Ví, Giặm. Phấn đấu thành lập thêm 2 - 3 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm ở các tỉnh khác và thành lập 1 - 2 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm ở nước ngoài. Thực hiện giảng dạy cho học sinh ở tất cả các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực hành Dân ca Ví, Giặm. Phấn đấu mỗi trường phổ thông có 1 giáo viên được tập huấn giảng dạy dân ca một cách bài bản.
Tiết mục biểu diễn làn điệu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. |
Đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị hiện đại cho Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh; 80% câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm được chính quyền địa phương thành lập, quản lý hoạt động hiệu quả được hỗ trợ trang thiết bị cần thiết như âm thanh, ánh sáng, trang phục, đạo cụ, nhạc cụ biểu diễn; hỗ trợ kinh phí dàn dựng, tập luyện, xây dựng các chương trình Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh hàng năm. Tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ nghiệp vụ về quản lý di sản văn hóa phi vật thể. Tập huấn, truyền dạy cho các câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, cho học sinh, giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh.
Tổ chức Liên hoan Dân ca Ví, Giặm cấp tỉnh và liên tỉnh 2 năm/lần; 1 cuộc thi tìm kiếm tài năng hát Dân ca Ví, Giặm; 1 hội thi hát Dân ca Ví, Giặm trong trường học; khôi phục 3 phường Dân ca Ví, Giặm truyền thống đã bị mai một; xuất bản 1 - 2 đầu sách về Dân ca Ví, Giặm; tổ chức 1 Festival Dân ca Ví, Giặm kết hợp với Liên hoan Dân ca Ví, Giặm cấp tỉnh và liên tỉnh.
Đề án xác định 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm…
Nghệ An tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2014 -2024). |
Đề án xác định 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để bảo vệ, phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm giai đoạn 2026 – 2030, trong đó: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; Tăng cường nguồn lực, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị nghệ thuật, thiết chế văn hóa, câu lạc bộ. Phát triển nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản; Tăng cường hợp tác, lồng ghép các hoạt động, xây dựng các hành trình kết nối di sản gắn với phát triển du lịch. Ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm.
Ông Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh về sự cần thiết ban hành Đề án Bảo vệ và Phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026 - 2030. |
Sau khi nghe ý kiến thảo luận, ông Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kết luận: Năm 2021, tỉnh đã ban hành Đề án Bảo vệ và Phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm giai đoạn 2021-2025 và bước đầu đã phát huy hiệu quả. Vì vậy, việc ban hành đề án trong giai đoạn 2026 - 2030 là cần thiết để tiếp tục phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng đề án rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để đáp ứng yêu cầu thực tế; đánh giá cụ thể, khoa học nhu cầu, thị hiếu thưởng thức Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của người dân, du khách; tiếp thu ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để hoàn thiện dự thảo Đề án trước khi trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.