Theo đó, Dự thảo Đề án nêu trên đã đề cập đến việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, VCCI Nghệ An trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp, là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì cuộc họp nghe và cho ý kiến vào Dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh đến năm2025 vào sáng nay (14/9)
Nhằm hoàn thiện, sáng nay (14/9), UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức họp để nghe và cho ý kiến Dự thảo Đề án này. Tại cuộc họp, các đại biểu đề nghị: Trong Dự thảo Đề án phải yêu cầu các sở, ngành tổ chức rà soát để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; bổ sung thêm nhiệm vụ cho Hải quan tỉnh, Công an tỉnh. Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Vì vậy, phải có chính sách ưu đãi về lãi suất, hạ lãi suất cho các doanh nghiệp, gia hạn thời gian trả lãi suất… Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Dự thảo Đề án cần yêu cầu các doanh nghiệp phải có thay đổi trong cách tiếp cận phương thức kinh doanh mới; bổ sung thêm nhiệm vụ của các huyện trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển…
Được biết, Dự thảo Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 34.000 - 35.000 doanh nghiệp, trong đó có 21.000 doanh nghiệp hoạt động. Trung bình giai đoạn 2021 - 2025 tốc độ tăng số doanh nghiệp hoạt động đạt khoảng 9% - 10%/năm. Tăng tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn chiếm khoảng 3% - 4% tổng số doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025. Bình quân hàng năm doanh nghiệp tạo việc làm mới cho khoảng 20.000 - 25.000 lao động. Phấn đấu đến năm 2025, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 - 67% nguồn thu ngân sách của tỉnh. Để đạt được mục tiêu trên, Dự thảo Đề án đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển doanh nghiệp, cụ thể:
Ông Nguyễn Hữu Mão - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nghệ An trình bày Dự thảo Đề án tại cuộc họp.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp gồm các chính sách: Hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 sớm phục hồi, ổn định sản xuất và phát triển. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển doanh nghiệp. Tăng cường công tác hỗ trợ đăng ký thành lập doanh nghiệp, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp gồm: Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng đào tạo kiến thức khởi nghiệp, kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Tăng cường liên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị. Phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực. Chú trọng phát triển doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực doanh nghiệp.
Triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gồm: Hỗ trợ chuyển đổi số cho khu vực doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19. Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận tín dụng; tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ…
Đáng chú ý, Dự thảo Đề án cũng đã đưa ra các nội dung hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Góp ý kiến vào Dự thảo Đề án tại cuộc họp, ông Phạm Văn Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cho rằng: Đề nghị lãnh đạo các huyện cùng vào cuộc đối với sự phát triển của các doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá cao sự chuẩn bị Dự thảo Đề án của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp hôm nay để hoàn thiện Dự thảo, trình phiên họp UBND tỉnh sắp tới.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Mão - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nghệ An cho biết: Trong giai đoạn 2016 -2020, doanh nghiệp Nghệ An phát triển nhanh về số lượng và hoạt động đa dạng ở các ngành, nghề, lĩnh vực, địa bàn. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới gấp 1,49 lần so với giai đoạn 2011 – 2015. Số doanh nghiệp đang hoạt động đứng thứ 9 cả nước. Hoạt động của doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đóng góp an sinh xã hội…Tuy nhiên, doanh nghiệp Nghệ An vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế. Nhiều chỉ tiêu đánh giá về doanh nghiệp của tỉnh chưa bằng mức bình quân chung của cả nước.
Văn Cương – Hoàng Lan