Thông qua Kế hoạch trên, UBND tỉnh Nghệ An đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp phát triển TMĐT Nghệ An giai đoạn 2021 -2025, gồm: Xây dựng cơ chế, hoàn thiện, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về TMĐT; ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số; triển khai đăng ký kinh doanh cho lĩnh vực TMĐT và tổ chức thực thi các quy định về tiêu chuẩn trong hoạt động TMĐT. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về TMĐT thông qua các hoạt động truyền thông trên báo giấy, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình, cẩm nang thương mại điện tử, các tờ rơi quảng bá về TMĐT và các hình thức khác. Tuyên truyền, đào tạo kỹ năng TMĐT cho cán bộ quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp…
Giao diện Sàn giao dịch TMĐT Nghệ An.
Đồng thời, phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và và dịch vụ công. Phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code... Đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch MTĐT. Duy trì, nâng cấp, phát triển sàn giao dịch TMĐT Nghệ An (37nghean.com) đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu của các doanh nghiệp, HTX, làng nghề… đặc biệt trong quảng bá, chào bán các sản phẩm đặc trưng, chủ lực, OCOP của tỉnh. Cải thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics. Ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics. Khuyến khích thí điểm và triển khai ứng dụng các phương tiện giao thông mới hỗ trợ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong TMĐT. Đẩy mạnh ứng dụng TMĐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, mở rộng tiêu thụ hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển TMĐT tại địa phương. Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT…
Kế hoạch đặt mục tiêu cụ thể là phấn đấu 60% hộ gia đình trở lên tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các website, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội, các ứng dụng (app) TMĐT bán hàng. Doanh số TMĐT B2C tăng trên 25%/năm, đạt từ 10% trở lên so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh. Thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt trên 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%. Hơn 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử…
Hoạt động TMĐT trên nền tảng mạng Internet (ảnh minh hoạ)
Để thực hiện, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Công Thương làm đầu mối chủ trì, theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị, thành và các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh… tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả. Huy động các nguồn hỗ trợ từ các chương trình, đề án của Trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện. Tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế và theo hướng dẫn của Trung ương…Đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan tích cực hưởng ứng tham gia các chương trình, đề án của các cơ quan Nhà nước trong hoạt động phát triển TMĐT. Chủ động triển khai ứng dụng TMĐT trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Được biết, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch này là để tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng TMĐT cho cộng đồng.
Văn Cương – Hương Giang