Theo đó, đối tượng được hưởng lợi từ dự thảo Nghị quyết là: Hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, ... Các hộ gia đình, cá nhân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, thiếu đất, nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu, các làng chài trên sông nước, ô nhiễm môi trường và các hộ gia đình tự nguyện đến các vùng biên giới khu kinh tế - quốc phòng.
Đối với các hộ gia đình đã di cư tự do đến các địa bàn tỉnh Nghệ An không theo quy hoạch, kế hoạch, đời sống còn khó khăn; hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu rừng đặc dụng cần phải bố trí, ổn định lâu dài. Việc bố trí, ổn định dân cư phải phù hợp các quy hoạch các cấp theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng và các quy hoạch có liên quan.
Bố trí, ổn định dân cư phải trên cơ sở nguyện vọng và sự đồng thuận của người dân, cộng đồng dân cư, phù hợp với phong tục tập quán, sản xuất của người dân địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo điều kiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái để người dân đến nơi ở mới có điều kiện sống ổn định lâu dài.
Việc bố trí, ổn định dân cư là trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền địa phương. Hộ gia đình, cá nhân bố trí ổn định theo quy hoạch, kế hoạch được Nhà nước hỗ trợ về di chuyển và các điều kiện để ổn định đời sống, phát triển bền vững cộng đồng dân cư. Làm sao bố trí, ổn định dân cư chủ yếu trên địa bàn trong xã, huyện, tỉnh, ưu tiên thực hiện bố trí dân cư xen ghép là chủ yếu, kết hợp với di dân tập trung và ổn định tại chỗ.
Đối với nội dung hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, cá nhân: Mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được hỗ trợ 01 lần; trong cùng thời điểm mà có nhiều chính sách hỗ trợ cùng một nội dung thì hộ gia đình, cá nhân hưởng lợi chỉ được chọn 1 chính sách hỗ trợ.
P.V