Ngành Lâm nghiệp Thanh Hóa với nhiệm vụ năm 2021 về phát triển và bảo vệ rừng

07:26 18/03/2021

Ngành lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tạo nên những bước chuyển mình, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, bên cạnh đó thực tế vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.

Năm 2020 mặc dù có nhiều khó khăn thách thức như thời tiết không thuận lợi, nguồn vốn đầu tư cho lâm nghiệp còn thấp, tác động của Đại dịch Covid-19 nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh cùng với sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, công tác lâm nghiệp đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện về mọi mặt.

Phấn đấu năm 2021, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, ngành Lâm nghiệp với mục tiêu bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có, giữ vững “an ninh rừng tại gốc”, không để xảy ra các “tụ điểm”, “điểm nóng”, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra; đẩy mạnh hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng, phát huy các sản phẩm lâm nghiệp chủ lực của tỉnh. 

Ngành Lâm nghiệp với mục tiêu bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có, giữ vững “an ninh rừng tại gốc”. Ảnh: Tư liệu
Ngành Lâm nghiệp với mục tiêu bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có, giữ vững “an ninh rừng tại gốc”. Ảnh: Internet

Chuyển dịch nền sản xuất lâm nghiệp từ phát triển theo số lượng sang nền sản xuất gắn với chế biến nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; phát triển lâm nghiệp bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp; tăng cường thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực Lâm nghiệp; đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Các chỉ tiêu chủ yếu của tỷ lệ che phủ rừng: 53,50%. Trồng rừng tập trung: 10.000 ha; bảo vệ rừng: 600.836 ha; chăm sóc rừng: 40.000 ha. Khai thác gỗ 780.000 m3; khai thác 60,72 triệu cây tre luồng, 80.800 tấn nguyên liệu giấy ngoài gỗ.

Ngành Lâm nghiệp đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện chính sách lâm nghiệp tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong công tác PCCCR; tham mưu tăng cường công tác kiểm tra PCCCR tại cơ sở, nâng cao tinh thần, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của BCĐ cấp huyện, cấp xã và chủ rừng nhà nước trong công tác QLBVR, PCCCR. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác PCCCR; triển khai rộng rãi Hệ thống camera chuyên dụng phát hiện sớm lửa rừng tại các khu vực trọng điểm.

Trong công tác phát triển và sử dụng rừng Chỉ đạo các địa phương, các Ban quản lý dự án cơ sở, các đơn vị sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp chuẩn bị hiện trường, cây giống, trồng rừng năm 2021, phấn đấu hoàn thành trồng rừng 10.000 ha. Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 và rà soát, đánh giá diện tích rừng tự nhiên ngoài quy hoạch lâm nghiệp”; triển khai thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát, xây dựng khung giá các loại rừng trên địa bản tỉnh”. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. 

Triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, kịp thời, đúng đối tượng. Ảnh: Internet
Triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, kịp thời, đúng đối tượng. Ảnh: Internet. 

Trong công tác dịch vụ môi trường rừng và phát triển kinh tế các thôn bản vùng đệm các khu rừng, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR tới các chủ rừng, đặc biệt chú trọng tới chủ rừng ở vùng sâu, xa có điều kiện khó khăn; triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, kịp thời, đúng đối tượng, công bằng, dân chủ, đúng pháp luật; đấu mối, làm việc với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước phải chi trả tiền DVMTR để ký hợp đồng chi trả DVMTR theo quy định.Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thanh toán tiền DVMTR đối với chủ rừng là tổ chức, UBND các xã. Triển khai thí điểm chi trả cho dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các bon của rừng (CPFES) sau khi có Quyết định thí điểm của Thủ tường Chính phủ, từ đó tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả; triển khai, giám sát thu.

Ngoài ra với công tác bảo tồn thiên nhiên và nghiên cứu khoa học, hợp tác Quốc tế, phát triển du lịch sinh thái, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh vai trò của ngành Lâm nghiệp là thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, các chương trình, dự án, đề tài. Đẩy mạnh quảng bá tiềm năng đa dạng sinh học, du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ; đấu mối, kết nối với các doanh nghiệp, công ty lữ hành quan tâm đầu tư, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch sinh thái. Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực, có lợi thế; từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.

Lê Mai