Ngành bán lẻ tăng trưởng ấn tượng

15:46 07/03/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng tốt và vững vàng. Năm 2021 được kỳ vọng sẽ tiếp tục là một năm “ăn nên làm ra” của ngành bán lẻ.

Theo Bộ Công Thương, trong tổng mức 5.059,8 nghìn tỷ đồng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.996,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 79% tổng mức và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ riêng mảng bán lẻ trực tuyến, tổng doanh thu tăng khoảng 16%. Tháng 1/2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 378,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 79% tổng mức, tăng 4,1% so với tháng 12/2020 và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Về tình hình thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, Bộ Công Thương cho biết, sức mua tăng 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với cùng kỳ năm 2020. Trong nhiều chỉ số kinh tế, sự tăng trưởng bán lẻ hàng hóa là điểm sáng nổi bật. 

  Ngành bán lẻ tăng trưởng ấn tượng dù bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Một số chuyên gia đầu ngành đưa ra dự báo, sẽ có 4 xu hướng chính của ngành bán lẻ sau đại dịch gồm: công ty bán lẻ lớn nắm bắt cơ hội để tăng trưởng thị phần; thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng sang mặt hàng thiết yếu mang lại thuận lợi cho các nhà bán lẻ hàng tạp hóa; Covid-19 thúc đẩy nền kinh tế trực tuyến và nhà phát triển bất động sản thương mại tận hưởng dòng chảy của thương hiệu quốc tế vào Việt Nam.

Để nắm bắt các xu hướng này, doanh nghiệp trong nước sẽ chịu sức ép lớn từ doanh nghiệp nước ngoài, song đây cũng là tạo động lực cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới nhanh nhạy và hiệu quả hơn. Từ đó, một thị trường cạnh tranh công bằng hơn sẽ dần được tạo lập, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Ngành bán lẻ Việt Nam được dự báo là ngành có nhiều triển vọng khi tiếp cận được những thị trường lớn nhất trên thế giới.

Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, tối thiếu 64% dòng thuế sẽ được xóa bỏ. Tỷ lệ xóa bỏ những dòng thuế quan sẽ không ngừng tăng lên theo thời gian cho đến thời điểm cuối lộ trình của Hiệp định này.

Cùng với đó, các Hiệp định EVFTA, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) cũng sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, thu hút vốn... vào thị trường Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên vật liệu chất lượng cao và giá cả hợp lý hơn từ nhiều nước EU và thị trường toàn cầu. 

Cùng với những lợi thế về chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, việc trở thành thành viên của các FTA chất lượng cao cũng khiến Việt Nam trở nên đặc biệt hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc cùng những thách thức từ đại dịch Covid-19 cũng khiến làn sóng các tập đoàn chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc ngày càng được đẩy mạnh và Việt Nam cũng là một trong những “cứ điểm” được nhiều “ông lớn” để mắt tới.

Thông tin về việc các hãng gia công lớn cho Apple như Foxconn, Luxshare, Pegatron đang có những bước đi nhằm mở rộng đầu tư tại Việt Nam đã được nhiều hãng tin lớn công bố. Tín hiệu tích cực này được kỳ vọng sẽ tạo “cú huých” cho thị trường bán lẻ.

B.N